Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, có 237 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn cầu vào giữa tháng 10/2021. Trong đó, hơn 100 triệu người đã trải qua hoặc vẫn đang gặp các vấn đề về sức khỏe kéo dài sau khi mắc COVID-19.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Ảnh hưởng sức khỏe do COVID-19 gây ra kéo dài và có thể gây căng thẳng cho hệ thống y tế”.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét 40 nghiên cứu từ 17 quốc gia về trải nghiệm của bệnh nhân với COVID kéo dài, bao gồm các triệu chứng mới hoặc dai dẳng xảy ra từ 4 tuần trở lên sau khi nhiễm bệnh. Các nghiên cứu bao gồm hơn 886.000 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.
Nhìn chung, tỷ lệ mắc COVID kéo dài trên toàn cầu là khoảng 43%. Trong đó, hội chứng này xảy ra ở phụ nữ (49%) phổ biến hơn nam giới (37%). Đối với những bệnh nhân nhập viện, tỷ lệ này tăng lên 57%. Nó cũng thay đổi theo địa điểm, với mức cao nhất được báo cáo ở châu Á là 49%, trong khi đó, Châu Âu và Bắc Mỹ lần lượt là 44% và 30%.
Theo nghiên cứu, triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, ảnh hưởng đến khoảng 23% những người mắc COVID kéo dài. Các triệu chứng khác như khó thở, mất ngủ, đau khớp và các vấn đề về trí nhớ, đã được báo cáo ở 13% bệnh nhân.
Các nhà khoa học nhấn mạnh, nghiên cứu có thể không thống kê được chính xác tất cả các trường hợp COVID kéo dài. Hơn nữa, một số người sống sót sau COVID-19 có thể phát triển các biến chứng và tình trạng nghiêm trọng khác như hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, bệnh thận mãn tính, bệnh tim và hội chứng mệt mỏi mãn tính. Cần có những nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu mối quan hệ giữa COVID-19 với những biến chứng này và khó khăn của những người sống chung với các biến chứng đó./.