Thông tin từ Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn vừa ghi nhận các trường hợp tử vong do liên quan đến vi khuẩn Whitmore.
Báo cáo kết quả điều tra các ca bệnh Whitmore của Trung tâm Y tế Sóc Sơn. |
Theo báo cáo kết quả điều tra ca bệnh Whitmore tại thôn Đỗ Lương, xã Bắc Sơn, bé trai T.C.V (SN 2014) tử vong ngày 31/10/2019 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy cháu V. dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (vi khuẩn gây ra bệnh whitmore). Trường hợp thứ hai là cháu T.Q.H (SN 2018) là em trai ruột của cháu V.
Gia đình hai bệnh nhi cho biết, ngày 10/11, cháu H. có biểu hiện sốt 38,5 độ C. Đến sáng ngày 11/11, gia đình đưa đến TYT xã Bắc Sơn, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo thông tin từ phía gia đình, bé H. điều trị được bốn ngày thì có kết quả xét nghiệm máu dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei. Bác sĩ đã tăng thuốc kháng sinh liều cao để điều trị, nhưng cũng không qua khỏi.
Trước đó, tháng 4/2019, chị gái của hai bệnh nhi trên là cháu T.Q.T (SN 2012) cũng tử vong với dấu hiệu tương tự. Cháu T. được các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột. Tuy nhiên, trường hợp này các chuyên gia chưa thể khẳng định có phải là tử vong do Whitmore hay không.
Trao đổi với phóng viên về các trường hợp bệnh nhi này, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau khi phát hiện hai trường hợp cùng trong một gia đình tử vong vì Whitmore, bệnh viện đã báo cho cơ quan dịch tễ Hà Nội để tìm hiểu, điều tra.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. |
"Bệnh whitmore không lây lan thành dịch mà khu trú trong một môi trường cố định. Vi khuẩn sống trong bùn, đất, nước. Do đó, để phòng tránh dịch bệnh, người dân cần rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi, dùng nước sạch", PGS.TS Trần Minh Điển khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Hà Nội, việc hai trường hợp bệnh nhi cùng một gia đình bị bệnh cách nhau thời gian ngắn và cùng địa điểm là điều đáng quan tâm: "Chúng tôi tiếp tục điều tra và huyến cáo người dân chủ động tích cực theo dõi trên địa bàn Hà Nội và tiếp tục có điều tra tiếp theo. Chưa đủ bằng chứng nói hai cháu lây cho nhau".
Ông Cảm cho biết, Whitmore là bệnh do loại vi khuẩn tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng "nguồn" bị ô nhiễm. Biện pháp cơ bản để tránh Whitmore là vệ sinh cá nhân, sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn nước bị ô nhiễm. Đặc biệt, người dân không nên quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số mắc ít.
"Cơ quan chức năng địa phương cũng đã điều tra tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi nghi mắc bệnh tương tự. Bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, rất ít nguy cơ có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh có thể lây từ người sang người nhưng rất hiếm. Do vậy, các yếu tố nguy cơ bùng phát lây lan thành dịch tại đây không cao", ông Cảm nhấn mạnh./.
Sở Y tế Nghệ An thông tin về vi khuẩn gây bệnh Whitmore