Tiến sĩ Ali Aminian, Giám đốc Viện Trao đổi chất và Chuyển hóa thuộc hệ thống dịch vụ y tế Cleveland Clinic và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Kết quả nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân béo phì đạt được mức giảm cân đáng kể và ổn định trước khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 đã giảm được 60% nguy cơ trở nặng. Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng chắc chắn rằng béo phì là một yếu tố rủi ro có thể điều chỉnh được liên quan đến tình trạng bệnh của bệnh nhân COVID-19”.
Được biết, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đối với hơn 20.000 người trưởng thành bị béo phì, trong đó hơn 5.000 bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 35 trở lên và đã từng phẫu thuật giảm cân từ năm 2004 - 2017 và hơn 15.000 bệnh nhân không phẫu thuật (tỷ lệ 1: 3).
Nhóm bệnh nhân làm phẫu thuật giảm cân đã giảm hơn 19% trọng lượng cơ thể trước ngày 1/3/2020, so với nhóm đối chứng.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 4 yếu tố: tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2, tỷ lệ nhập viện, số ca cần hỗ trợ oxy và số ca bệnh nặng (phải điều trị tích cực, thở máy hoặc tử vong). Họ phát hiện, tỷ lệ nhiễm virus gần tương tự giữa nhóm phẫu thuật và không phẫu thuật. Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân đã phẫu thuật giảm cân có nguy cơ nhập viện thấp hơn 49%, tỷ lệ cần hỗ trợ oxy thấp hơn 63% và nguy cơ trở nặng do COVID-19 thấp hơn 60% so với nhóm đối chứng.
Theo Tiến sĩ Steven Nissen, chuyên gia tại Viện Tim mạch và Lồng ngực, Cleveland Clinic và là tác giả nghiên cứu cao cấp, những phát hiện đáng chú ý từ nghiên cứu này cho thấy có thể cải thiện sức khỏe của bệnh nhân bị béo phì mắc COVID-19. Việc giảm cân cần được chú trọng như một chiến lược sức khỏe cộng đồng có thể cải thiện hiệu quả điều trị trong đại dịch COVID-19 và các đợt bùng phát trong tương lai hoặc các bệnh truyền nhiễm liên quan.
Lý do tại sao việc giảm cân có tác động tích cực như vậy hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng theo dữ liệu, tình trạng sức khỏe của những bệnh nhân trải qua phẫu thuật giảm cân đã có tiến triển tốt hơn vào thời điểm bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho biết, béo phì cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gây tình trạng viêm mạn tính và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cục máu đông và các bệnh về phổi./.