Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua là loại quả quen thuộc được bày bán 4 mùa và là sự lựa chọn của nhiều gia đình trong bữa cơm vì những giá trị dinh dưỡng nó mang lại.

Mướp đắng đúng như cái tên của nó, được xếp vào nhóm rau củ có vị đắng nhất (cùng với măng đắng, rau cải mèo, ngọn đu đủ...). Tuy đắng nhưng vị đắng của các loại rau củ này thuộc loại "thuốc đắng giã tật" với giá trị thực dưỡng cao.

Mướp đắng giúp khai vị, kiện tỳ, là loại quả giúp kích thích ăn uống, tiêu viêm, giải nhiệt; làm ổn định đường huyết cho người bị bệnh tiểu đường; chữa ho, thấp khớp, rôm sảy cho trẻ em và có tác dụng phòng chống bệnh ung thư...Mướp đắng còn chứa một lượng lớn chất xơ, vitamin, protein dồi dào, bổ sung dưỡng chất cho cơ thể và có mức giá khá rẻ so với các loại rau củ thực dưỡng khác.

Dù mang nhiều tác dụng bổ dưỡng như vậy, thế nhưng nhiều người lại khá e dè với các món ăn chế biến từ mướp đắng bởi vị đắng của nó. Hãy thử nghiệm các cách bên dưới, bạn sẽ bất ngờ khi phát hiện món mướp đắng không còn khiến bạn phải "nhăn mặt" khi nếm thử nữa.

Mua mướp đắng

Với mướp đắng rừng, chúng được trồng chủ yếu ở khu vực rừng núi. Trái nhỏ, ngắn, hơi tròn, nhiều gai xếp dày đặc, có màu xanh đậm, thịt quả ít nhưng hạt nhiều. Chúng có vị rất đắng nên thường được dùng với mục đích chữa bệnh hơn là nấu ăn.

Với mướp đắng đèo, đây là cách gọi cho các loại mướp đắng nhà trồng, không phun thuốc hay bón phân, vỏ xù xì, gai dày, trái săn và có màu xanh đậm. Trái to cỡ bàn tay và có vị đắng ngang ngửa mướp đắng rừng.

Mướp đắng thường: quả to, gai quả nở thành các múi lớn, thân quả bóng mượt, có màu xanh sáng nhạt hơn mướp đắng rừng hoặc có màu xanh đậm như mướp đắng rừng nhưng thân quả dài, to hơn hẳn, múi gai nhỏ, dày đặc. Mướp đắng thường thì quả xanh nhạt sẽ ít đắng hơn quả có màu xanh đậm.

Khi mua, bạn nên chọn quả có thân thuôn dài, ít bị dập nát và còn cuống tươi xanh. Quá trình sơ chế cũng có thể khiến mướp đắng bớt đắng đi nếu biết cách làm đúng: bổ đôi quả mướp đắng theo chiều dọc, nạo sạch phần hột quả và cả phần cùi trắng nằm sát với lớp thịt quả vì đây là phần bao quanh hột quả - nơi có vị đắng nhất. Loại bỏ phần cùi trắng này, mướp đắng sẽ bớt vị đắng đi rất nhiều đấy.

Hãy ngâm mướp đắng trong nước muối khoảng 10-15 phút, vớt ra rửa lại nhiều lần với nước sạch để hết vị mặn và làm giảm vị đắng. Cách này còn khiến các múi gai được làm sạch tốt hơn, tránh tích tụ nhiều loại vi khuẩn và ký sinh trùng trong kẽ múi. 

Gia vị

Theo người có kinh nghiệm thì vị mặn của muối có thể làm giảm vị đắng và tăng cường vị ngọt. Vì thế, hãy cho muối ăn vào khi chế biến mướp đắng. Các gia vị khác như bột ngọt, đường, bột nêm hay nước mắm có thể làm tăng mùi vị nhưng không có tác dụng gì để giúp giảm vị đắng cả. Ngoài ra, kết hợp nấu cùng các thực phẩm khác như trứng, thịt băm hay tôm, đậu phụ, lá tía tô cũng làm giảm vị đắng của chúng do có thêm nhiều hương vị thêm vào món ăn.

Cách nấu 

Cách nấu cũng có ảnh hưởng khá nhiều tới vị đắng của mướp đắng đấy. Theo thứ tự thì mướp đắng nấu canh/hấp sẽ có vị đắng nhất, sau đó là chiên, xào, sấy và cuối cùng là nộm. 

Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần sơ chế mướp đắng như bên trên, thái mỏng vừa ăn và trộn với chút muối sau đó bỏ vào ngăn đá tủ lạnh trong khoảng 10 phút hoặc trộn cùng với vài viên đá, để đó trong khoảng 10-15 phút, đợi cho mướp đắng lạnh thì đem rửa với nước đá. Để ráo và trộn với chút muối ăn và ruốc thịt heo sẽ rất ngon, còn không bị đắng. Mướp đắng vừa giòn, vừa có vị ngọt tự nhiên, hoàn toàn không cảm nhận được vị nhằng nhặng đắng như nấu bằng các cách khác.