Sáng nay (2/10), tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức lễ mít tinh ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10/10) với chủ đề “Hãy chung sống với người bệnh tâm thần phân liệt”.
Tham dự buổi lễ mít tinh có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các giáo sư, chuyên gia đầu ngành về tâm thân học đến từ các nước: Nhật Bản, Pháp, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Đài Loan (Trung Quốc) và Campuchia… cùng hơn 300 bác sĩ của 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Theo PGS TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam: Rối loạn tâm thần chiếm tỷ lệ cao trong nhân dân, tỷ lệ bệnh có khác nhau theo từng nhóm tuổi, giới tính và nghề nghiệp, chủng tộc và ở mỗi quốc gia khác nhau.
Vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em đặc biệt là tự kỷ, tăng động, giảm chú ý ngày càng gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhân đến khám năm 2008 có 450 trẻ; năm 2009 là 950 trẻ; năm 2010 là 1.972 trẻ; năm 2012 là 2.200 trẻ trong đó rối loạn tự kỷ gặp ở trẻ trai nhiều gấp 4 – 6 lần trẻ gái.
Phát biểu tại buổi lễ mít tinh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nhấn mạnh: sức khỏe cho mọi người là mục tiêu chiến lược của tất cả các quốc gia; là thước đo chung của mọi xã hội văn minh, nhân bản. Trong đó, sức khỏe tinh thần có vai trò đặc biệt quan trọng vì “Một thân thể khỏe mạnh chỉ có được trong một tinh thần mạnh khỏe”. Sức khỏe tinh thần quyết định đến chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình, bình an xã hội và sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.
Phó Chủ tịch nước khẳng định: “Việt Nam luôn xác định: bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tâm thần cho nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên nhằm đảm bảo quyền được bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân và đảm bảo nguồn lực phát triển xã hội. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của sức khỏe tâm thần trong một nỗ lực chung để nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân”.