Đậu đen là một trong những loại ngũ cốc rất thông dụng trong đời sống hằng ngày, được chế biến thành nhiều món ăn. Không những thế, đậu đen còn được dùng làm thuốc trị nhiều bệnh từ lâu đời.

Theo Đông y, đậu đen có vị ngọt, tính mát hơi hàn. Tác dụng trừ phong, trừ thấp, thanh nhiệt, bổ thận, chỉ huyết, giải độc, chống viêm nhiễm, đen râu tóc... Đậu đen có 2 loại: loại trắng lòng và loại xanh lòng, trong đó loại xanh lòng dùng làm thuốc thì rất tốt.

dau_den_kbln.jpg
Bị phong do thời khí: đậu đen sao cho bốc khói 30g, xương bồ 16g, huyền sâm 16g, mạch môn 12g, cát cánh 12g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Đau răng do nhiệt miệng: đậu đen (sao) 40g, hoàng cầm 10g, chi tử 12g, tía tô 16g, ngân hoa 10g, đinh lăng 16g, chỉ xác 8g. Đổ nước 600ml, sắc lọc bỏ bã lấy 20ml. Chia 3 - 4 lần uống trong ngày.

Đại tiện ra máu: đậu đen 200g, nấu chín kỹ ăn trong ngày hoặc đậu đen (sao) 30g, cỏ mực 20g, trắc bách diệp 16g, thục địa 16g, hoa hòe (sao) 12g, chi tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Đau mắt đỏ do phong nhiệt: đậu đen (sao thơm) 20g, lá dấp cá 20g, xương bồ 16g, cúc hoa 10g, tang diệp 20g, xa tiền thảo 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Da khô, tóc bạc sớm: đậu đen (sao thơm) 30g, hà thủ ô 16g, cỏ mực 20g, thiên môn 20g, thục 20g, đương quy 16g, đỗ trọng 10g, táo nhân (sao đen) 16g, táo tàu 6 quả, tang diệp 16g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Đau đầu, ù tai, chóng mặt, giảm trí nhớ: đậu đen sao chín cho vào túi vải. Dùng gối đầu. Công dụng: dưỡng thận, an thần, điều hòa dương khí./.