Trước tình hình dịch bệnh Ebola đang ngày càng lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola, không cần thông qua Hội đồng chuyên môn của Bộ. 

Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh. Các ca bệnh xác định cần phải nhập viện điều trị và cách ly hoàn toàn.

20140806203700_44_ipdd.jpgThực hiện kiểm soát dịch bệnh ngay từ cửa khẩu (Ảnh: KT)

Theo hướng dẫn này, thời gian ủ bệnh Ebola trung bình là 2-21 ngày. Các triệu chứng thường gặp gồm: sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, nôn/buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc, phát ban. Ngoài ra, bệnh kèm theo các biểu hiện xuất huyết như: đi ngoài phân đen, chảy máu nơi tiêm truyền, ho máu, chảy máu chân răng, chảy máu âm đạo…

Đồng thời, bác sĩ cũng cần phân biệt bệnh Ebola với sốt xuất huyết Dengue, nhiễm trùng huyết do não mô cầu, nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn, sốt rét có biến chứng…

Bệnh hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng. Chẳng hạn nếu sốt trên 38 độ C có thể hạ nhiệt bằng paracetamol với liều lượng 10-15mg/kg cân nặng mỗi liều cách nhau từ 4-6 giờ. Đặc biệt tránh dùng các thuốc như diclofenac, ibupropen… vì làm nặng rối loạn đông máu. Nếu bị mất máu thì cần được truyền máu và các chế phẩm từ máu.

Các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi làm xét nghiệm PCR. Đặc biệt, lưu ý phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú. Thai phụ nhiễm virus Ebola có nguy cơ sảy thai, đẻ non, chảy máu sau sinh rất cao. Virus này cũng truyền qua sữa mẹ. Vì thế, khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh, người mẹ nên ngừng cho con bú; cả mẹ và trẻ cần được nhập viện và cách ly cho đến khi loại trừ bệnh.

Bệnh nhân được xuất viện sau 3 ngày không sốt và không có các dấu hiệu gợi ý có sự đào thải virus ra môi trường như: đi ngoài phân lỏng, ho, chảy máu… Các triệu chứng lâm sàng cải thiện tốt, tình trạng bệnh nhân ổn định, có thể tự thực hiện các hoạt động thường ngày. Kết quả xét nghiệm PCR với virus âm tính.

Bệnh nhân phải được cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân đúng để hạn chế lây truyền bệnh. Để tránh lây nhiễm, cần hạn chế tiếp xúc, vận chuyển bệnh nhân, trong trường hợp cần vận chuyển phải sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân và xe chuyên dụng. Các vật dụng bị ô nhiễm, đồ thải bỏ và chất thải của bệnh nhân cần phải khử trùng và xử lý theo quy định.

Người chăm sóc bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng.

Bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám, cách ly và điều trị bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế, người chăm sóc bệnh nhân và bệnh nhân khác tại các cơ sở điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế./.