Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc cúm tại các tỉnh phía Bắc đang gia tăng. Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B.

benh_nhan_2_vov_ltpq.jpg
Theo các bác sĩ, đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch …bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, bị biến chứng.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch …, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội rầm rộ quảng cáo bán thuốc điều trị cúm Tamiflu xuất xứ từ nước ngoài như Nga, Pháp... Vì lo lắng cho sức khỏe của con trẻ, nhiều người dân đã đổ xô tìm mua, đặt hàng trên mạng mặc dù giá bán khá đắt.

Thuốc cúm tamiflu được rao bán trên mạng.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị cho rằng, giá thuốc Tamiflu đang được thả trôi nổi bởi các hàng xách tay. Việc cha mẹ tự ý mua thuốc cúm Tamiflu gắn mác hàng xách tay là rất đáng lo ngại và vô cùng nguy hiểm. Bởi bất cứ 1 loại thuốc nào, đặc biệt là những thuốc điều trị đặc hiệu, ở các nước phát triển  họ đều bán theo kê đơn của bác sĩ.

“Tôi không thể hiểu được là nguồn gốc từ đâu có nhiều thuốc chuyển về Việt Nam như thế. Bản thân thuốc đó phải được điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế, chứ không tự điều trị. Vì vậy mong cộng đồng cân nhắc việc tự ý mua, tự ý sử dụng”- BS Nguyễn Đặng Khiêm cảnh báo.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm- Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị.

Theo BS Nguyễn Đặng Khiêm, việc điều trị tamiflu không phải là cứu cánh cho bệnh cúm. Thông thường nếu sức đề kháng tốt, bệnh sẽ tự khỏi, không nhất thiết phải dùng tamiflu.

BS Khiêm nêu rõ, Tamiflu chỉ được chỉ định để điều trị cúm trong các trường hợp nhất định, đó là khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc cúm. Thuốc này chỉ có tác dụng ức chế virus trong 48 giờ đầu kể từ khi có triệu chứng. Sau thời gian này, dùng Tamiflu sẽ không có tác dụng với virus cúm.

BS Khiêm cũng khẳng định, thuốc Tamiflu có tác dụng phụ, là thuốc phải kê đơn. Vì vậy, việc dùng thuốc tamiflu phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và phải được dùng khi có sự kê đơn của bác sĩ. Theo BS Khiêm, việc người dân tự ý  mua thuốc cúm sẽ rất nguy hiểm, vừa tốn tiền vừa ảnh hưởng tới tính mạng khi đối mặt với nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Đặc biệt, việc dùng Tamiflu cho trẻ em cần phải cẩn trọng hơn so với người lớn.

“Chúng ta nên giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay, tránh tập trung ở những nơi đông người khi đang có dịch. Nếu trong nhà có người mặc bệnh cúm, cần đeo khẩu trang, vệ sinh nhà cửa thoáng mát. Điều quan trọng nhất là phải tăng sức đề kháng cho người bệnh bằng cách ăn nhiều hoa quả, ăn đồ lỏng. Nếu có dấu hiệu bất thường, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, giám sát”- BS Nguyễn Đặng Khiêm cho biết./.

Phòng tránh và điều trị bệnh cúm mùa

VOV.VN -Bộ Y tế cảnh báo, thời gian tới, số ca mắc bệnh cúm có thể gia tăng trên cả nước, nhất là trong mùa đông xuân và dịp Tết Nguyên đán, lễ hội tập trung.