Từ tháng 2/2019 đến nay, TP HCM đã triển khai tiêm vaccine ComBe Five cho hơn 16.500 trẻ, đạt 20,4% tổng số trẻ trong độ tuổi cần tiêm chủng vaccine ngừa 5 loại bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib. Trong số đó có 1.218 trẻ có các phản ứng nhẹ sau tiêm, không có trường hợp phản ứng nặng, chiếm 7.3%. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine ComBe Five tương đương với phản ứng thông thường ở trong những đợt thí điểm tiêm vaccine trên cả nước (từ 7-10%). Đây cũng là tỉ lệ thấp hơn trong y văn ghi nhận.

vaccine_gclh.jpg
(Ảnh minh họa)

Theo bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, rào cản lớn nhất khiến tỉ lệ trẻ tiêm ComBe Five mới đạt hơn 20% là do tâm lý của phụ huynh, nhiều người không đồng ý, từ chối tiêm vaccine ComBe Five do lo sợ trẻ phản ứng sau tiêm. Mặt khác, nhiều nhân viên y tế cũng lo lắng về phản ứng sau tiêm, do đó khá dè dặt khi tư vấn cho phụ huynh.

Theo khảo sát ngẫu nhiên của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố tại một trạm y tế phường, mặc dù trạm y tế có phát giấy mời tiêm ComBe Five đến 114 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chỉ có 23 trẻ đến trạm và thực tế số trẻ được tiêm vaccine ComBe Five chỉ có 6 trẻ.

“Ngay bản thân nhân viên y tế cũng không tránh khỏi lo lắng. Bên cạnh đó, việc tư vấn của nhân viên y tế cũng còn hạn chế. Cần phải đẩy mạnh những hoạt động truyền thông, nâng cao sự tự tin và kỹ năng tư vấn cho nhân viên y tế tại các trạm”- BS Lê Hồng Nga cho biết.

Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM khuyến cáo các gia đình có trẻ em, không phân biệt thường trú hay tạm trú, cần liên hệ trạm y tế nơi cư ngụ để được tư vấn về tiêm chủng cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng bắt buộc. Nếu các bậc phụ huynh có nhu cầu sử dụng vaccine dịch vụ thì vẫn phải tuân thủ lịch tiêm chủng bắt buộc để bảo vệ trẻ trước những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong những năm đầu đời./.