Hôm nay (9/9), Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đi thực tế và làm việc với tỉnh Đồng Nai về tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Tam Phước, TP Biên Hòa; kiểm tra công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

vov_bo_y_te_pinx.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn đi thực tế và làm việc với tỉnh Đồng Nai về tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Trong 8 tháng của năm 2019, Đồng Nai ghi nhận hơn 11.600 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 267% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Đồng Nai là một trong các địa phương có số ca mắc nhiều nhất, trong đó đã có 2 ca tử vong. UBND tỉnh Đồng Nai đã chi hơn 20 tỷ đồng cho công tác phòng chống sốt xuất huyết, xử lý hơn 1.700 ổ dịch, tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất dập dịch diện rộng.

Đánh giá cao những nỗ lực của Đồng Nai trong việc phòng chống, khống chế dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặt vấn đề về tính hiệu quả của công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh. Bộ trưởng cho rằng, truyền thông đã làm bằng nhiều kênh, nhiều cách nhưng nhận thức của người dân vẫn chưa tốt. Nhiều người dân vẫn chưa hiểu rằng môi trường nước đọng, những vật dụng chứa nước ở ngay trong mỗi gia đình chính là môi trường cho muỗi sinh sôi. Người dân cũng chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của diệt lăng quăng để phòng sốt xuất huyết cho nên chưa thực hiện việc không có nước đọng, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết. Khi lăng quăng thành muỗi rồi thì diệt muỗi chỉ là giải quyết “phần ngọn” của vấn đề.

Lấy ví dụ về những tờ rơi được in ra, phát tới tận nhà người dân tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt câu hỏi, liệu bao nhiêu người đọc và đọc rồi thì bao nhiêu người làm theo. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải làm sao để truyền thông y tế, truyền thông về sốt xuất huyết tốt hơn, làm sao để người dân hiện thực hóa bằng hành động.“Làm và phát tờ rơi như vậy cũng tốt, nhưng chúng ta in ra vài trăm ngàn tờ thì chia được bao nhiêu hộ? Đến được bao nhiêu hộ? Các hộ có đọc không? Đọc xong có làm không? Phải hiện thực hóa, có tính khả thi, thực tiễn chứ không thể là hình thức”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh./.