Hậu quả là chỉ cần một tai nạn nhỏ cũng làm người già gãy xương. Nguyên nhân là do cơ thể thiếu đi lượng canxi cần thiết giúp cho bộ xương vững chắc. Để khắc phục tình trạng này cần được bổ sung canxi qua dinh dưỡng hàng ngày.

Hậu quả của loãng xương

Loãng xương là một loại bệnh toàn thân mà đặc điểm chính là sự giảm sút mật độ xương, kết cấu các tổ chức xương bị phá vỡ dẫn đến giòn xương, dễ gãy. Xương cổ tay, cổ xương đùi, xương cột sống là những vị trí hay gãy nhất. Loãng xương không chỉ đem lại nỗi đau khổ cho bệnh nhân mà còn gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng về gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường thì càng tạo thành một vòng xoắn bệnh lý làm cho bệnh nặng lên, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, giảm khả năng lao động và có thể dẫn đến tàn tật suốt đời. Phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh là những đối tượng có tỷ lệ loãng xương tương đối cao.

Vai trò của canxi đối với sự chắc khoẻ của bộ xương

Các yếu tố nguy cơ gây loãng xương bao gồm: tuổi tác, cân nặng, chiều cao, hormon, mức độ vận động, lối sống, dinh dưỡng… trong đó canxi là một yếu tố liên quan mật thiết đến độ chắc khoẻ của xương.

Canxi là một khoáng chất quan trọng giúp cho quá trình phát triển của xương. Trong cơ thể, canxi chiếm 1/3 khối lượng chất khoáng, 98% canxi nằm ở xương và răng. Do đó, canxi rất cần thiết đối với việc hình thành một khung xương vững chắc, phát triển tốt.

Đối với phụ nữ, cơ thể mất đi một lượng canxi đáng kể trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Thời kỳ này, nhu cầu canxi cao hơn bình thường, vì vậy nếu khẩu phần ăn thiếu canxi, cơ thể phải cân bằng canxi trong máu bằng cách huy động canxi từ xương. Nếu không được bổ sung đầy đủ lượng canxi trong thời kỳ này, người mẹ sẽ tăng nguy cơ loãng xương. Trong thời kỳ mãn kinh và sau mãn kinh, khi mức hormon nữ estrogen giảm (hormon này có tác dụng giúp xương hấp thụ canxi), phụ nữ bị mất canxi trong xương nhanh hơn, hiện tượng loãng xương càng trở nên rõ rệt.

Lựa chọn thực phẩm giàu canxi

Nhu cầu canxi khác nhau theo từng lứa tuổi và giai đoạn sinh lý. Từ 19-50 tuổi là 1.000mg/ngày, 51 tuổi trở nên là 1.200mg/ngày, phụ nữ đang mang thai là 1.200 mg/ngày và cho con bú là 1.000mg/ngày. Để cung cấp đầy đủ lượng canxi cho cơ thể cần phải hết sức chú ý đến vấn đề lựa chọn thực phẩm cho khẩu phần ăn.

Những thực phẩm giàu canxi có thể kể đến: sữa và các chế phẩm từ sữa (phomat), cua, tôm, cá nhỏ kho nhử ăn cả xương, trai, hến, đậu phụ, vừng, lạc, rau muống, bắp cải, hành… trong đó đậu phụ là một thực phẩm có chứa nhiều canxi và đồng thời có chứa phytoestrogen rất tốt cho phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Bên cạnh đó cần ăn đủ các thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu để việc hấp thu canxi trong cơ thể được tốt hơn. Tuy nhiên, nếu quá nhiều chất đạm sẽ dẫn đến hiện tượng đào thải canxi.

Cũng cần chú ý thêm một số chất làm tăng cường khả năng hấp thụ canxi như vitamin D, đường lactose trong sữa. Cần chú ý các chất ức chế hấp thụ canxi phải kể đến là acid oxalic, một số thuốc như tetracyclin, thuốc lợi tiểu và heparin./.