Sáng 23/6, tại Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức Hội thảo phẫu thuật thay khớp khối bán phần. Đây là bệnh viện đầu tiên ở miền Bắc áp dụng kỹ thuật này.
Bệnh thoái hóa khớp gối đang ngày càng gia tăng ở nước ta. Hiện cả nước có khoảng 3,6 triệu bệnh nhân và dự báo đến năm 2020 sẽ tăng lên 6 triệu người bị bệnh này. Trước đây, những người bị thoái hóa khớp gối thường phải chờ đến lúc không đi được mới được chỉ định thay khớp gối toàn phần, rất lãng phí.
Thực hiện kỹ thuật cũ này, những bộ phận không bị tổn thương như dây chằng chéo, khớp lành và một số phần mềm khác đều bị cắt bỏ, ảnh hưởng đến sự phục hồi vận động sau này của bệnh nhân. Nay, với kỹ thuật thay khớp gối bán phần, hỏng phần nào sẽ thay phần đó và giữ được tối đa các bộ phận còn tốt cho việc vận động.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoạt, khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Có những bệnh nhân chỉ tổn thương một bên mâm chày hoặc 1 bên lồi cầu đùi. Nếu thay khớp gối toàn phần thì sẽ rất phí vì bệnh nhân bị cắt hết cả 2 bên. Do vậy mới có kỹ thuật mới này, hỏng phần nào sẽ thay phần đó, hỏng mâm chày 1 bên hay lồi cầu đùi một bên thì chỉ cắt bên đó đi để thay. Như vậy, sẽ bảo toàn tối đa các xương, các dây chằng, đặc biệt là dây chằng chéo trước, chéo sau, đồng thời bảo tồn, tạo độ vững của khớp rất tốt, gần như khớp sinh lý bình thường. Kỹ thuật này rất tốt, nhất là với các bệnh nhân trẻ, sau này còn phải hoạt động nhiều”.
Sau hội thảo, Bệnh viện Đại học Y tiến hành thay khớp bán phần cho nữ bệnh nhân 56 tuổi bị thoái hóa 1 bên khớp đã 7 năm, đi lại rất khó khăn. Đây là trường hợp đầu tiên nên bệnh nhân được miễn phí. Ca phẫu thuật do Tiến sỹ Gunter Jens Muller, chuyên gia của Đức (có kinh nghiệm mổ hơn 4.000 ca thay khớp gối), cùng Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoạt, khoa Ngoại, Bệnh viện trường Đại học Y Hà Nội thực hiện.
Cũng dịp này, 3 bệnh nhân khác cũng sẽ được thay khớp gối bán phần, kinh phí mỗi ca chỉ từ 50 triệu đến 70 triệu đồng, bằng hơn một nửa so với thay khớp gối toàn phần, thời gian mổ và nằm viện cũng ít hơn so với kỹ thuật cũ./.