Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Biobank của Anh từ hơn 20.000 người trưởng thành từ 50 – 80 tuổi. Họ đã thực hiện các bài kiểm tra tiêu chuẩn về khả năng nhận thức như trí nhớ, tốc độ xử lý thông tin và chức năng điều hành.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra nhận thức so với những người không mắc bệnh này ở cùng độ tuổi, giới tính và trình độ học vấn. Cụ thể, điểm số chức năng điều hành của họ thấp hơn 13% và tốc độ xử lý thấp hơn gần 7%.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng dùng phương pháp quét MRI (Chụp cộng hưởng từ) để xem xét cấu trúc và hoạt động của não giữa những người mắc và không mắc bệnh tiểu đường. Họ nhận thấy chất xám của não giảm dần theo tuổi tác ở cả hai nhóm, đặc biệt là ở vùng được gọi là vân bụng – rất quan trọng đối với chức năng điều hành. Tuy nhiên, những người mắc bệnh tiểu đường có mức giảm lớn hơn và quá trình lão hóa não bình thường tăng nhanh khoảng 26% ở người mắc bệnh tiểu đường loại 2 tiến triển.
Nhà nghiên cứu cấp cao Lilianne Mujica-Parodi cho biết, phát hiện mới này cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường bị teo vùng não giống như những người khác cùng tuổi nhưng tác động lão hóa đó diễn ra nhanh hơn.
Đối với bệnh tiểu đường loại 2, cơ thể không thể sử dụng đúng cách insulin – loại hormone cho phép các tế bào cơ thể tiêu thụ glucose để tạo năng lượng. Kết quả là lượng đường trong máu tăng cao, có thể làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh khắp cơ thể. Những người mắc bệnh này thường có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim, bệnh thận và đột quỵ .
Theo bà Lilianne Mujica-Parodi, nhà nghiên cứu cấp cao, não là một "bộ phận tiêu thụ glucose lớn”, và nếu các tế bào não (tế bào thần kinh) không thể sử dụng insulin, chúng sẽ gặp vấn đề. Bà cũng nghi ngờ chính sự bỏ đói tế bào thần kinh là nguyên nhân chính thúc đẩy quá trình lão hóa não nhanh hơn.
Trong khi đó, bà Michal Beeri, giáo sư tâm thần học tại Trường Y Icahn Mount Sinai ở thành phố New York, cho rằng bệnh mạch máu não - tổn thương các mạch máu cung cấp cho não - là lý do chính khiến bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, có nhiều cơ chế liên quan đến tình trạng lão hóa nhanh này, bao gồm cả sự bỏ đói tế bào thần kinh.
Dù lý do cơ bản là gì, các chuyên gia đều nhấn mạnh mối liên hệ giữa não và phần còn lại của cơ thể.
Nếu bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức, thì việc điều trị bệnh tiểu đường có giúp ích gì không?
Bà Beeri cho biết: “Về lý thuyết, việc kiểm soát glucose tốt sẽ giúp giảm nguy cơ này. Các nghiên cứu đã liên kết việc sử dụng thuốc điều trị tiểu đường, như metformin, với nguy cơ suy giảm tinh thần ít hơn. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó chưa được công nhận. Hiện thử nghiệm lâm sàng kiểm tra lợi ích của metformin và một số loại thuốc tiểu đường khác đối với não đang được tiến hành”.
Trong nghiên cứu hiện tại, việc sử dụng metformin không liên quan đến bất kỳ biện pháp bảo vệ não nào. Tuy nhiên, phát hiện đó không phải là kết luận, theo bà Mujica-Parodi.
Thêm vào đó, chuyên gia cũng khuyến nghị việc kiểm soát bệnh tiểu đường tốt là rất quan trọng và là điều mà mọi người nên làm.
Tuy nhiên, tốt hơn hết là phòng ngừa bệnh. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 2 như tuổi già và tiền sử gia đình là không thể thay đổi, nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp ngăn ngừa bệnh đáng kể./.