“Ổ bệnh dại” tại Hòa Bình đầu năm 2019 là lời cảnh tỉnh để mọi người dân nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh dại. Đây là câu chuyện thương tâm khi chó nhà cắn 4 người trong cùng gia đình (2 vợ chồng và 2 đứa con) vào mùng 2 Tết. Sau đó hơn 1 tháng, 2 bố con bị chó cắn đã tử vong. Tất cả những người bị phơi nhiễm tại ổ dịch này, gồm 2 người bị cắn còn lại, bà nội và 31 người thân tham gia chăm sóc người bệnh lúc lên con dại… đã được tiêm phòng. Đến nay, không có thêm ai tử vong.
Bệnh nhi phải nhập viện Việt Đức sau khi bị chó nhà nuôi cắn hồi tháng 3 vừa qua. (Ảnh do BV cung cấp) |
Đây cũng là lý do để Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức “Hội nghị tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại các tỉnh trọng điểm miền Bắc Việt Nam”.
Tại Hội nghị diễn ra sáng 6/8 tại Hà Nội, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương công bố chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người. Bệnh dại xuất hiện tại 34 tỉnh thành, với 104 ca mắc trong năm 2018. Thống kê 7 tháng đầu năm 2019, trên cả nước có 46 ca mắc bệnh dại tại 38 tỉnh, trong đó khu vực miền Bắc ghi nhận tới 30 ca.
TS. Vũ Duy Nghĩa, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, tại Việt Nam, trung Bình mỗi năm có 500.000 người tiêm vaccine phòng dại. Số ca tử vong do bệnh dại đứng đầu trong số các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam từ năm 2008-2018 (trừ năm 2014, đứng sau dịch sởi).
“Chó nuôi được thả rông nhiều chưa được quản lý chặt chẽ. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó còn thấp (51%) chưa đạt ngưỡng khống chế. Bệnh dại ở đàn chó nuôi lưu hành nhiều năm tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức về phòng chống bệnh dại của người dân còn hạn chế, chủ quan… Bên cạnh đó, việc tiếp cận với vaccine phòng bệnh dại cũng bị hạn chế bởi giá vaccine nhập khẩu còn cao, số điểm tiêm phòng dại còn chưa bao phủ hết các huyện… Những hạn chế này khiến người dân không tiếp cận được vaccine phòng dại, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp”, TS. Vũ Duy Nghĩa nhấn mạnh.
“Hội nghị tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại các tỉnh trọng điểm miền Bắc Việt Nam”. |
Theo Cục Y tế dự phòng và Cục Thú y, hiện nay, ở Việt Nam bệnh dại còn xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Tại Điện Biên, sau 17 năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại nào, nhưng từ cuối 5/2010-2019, toàn tỉnh ghi nhận 45 trường hợp mắc và tử vong. Tất cả đều không tiêm vaccine phòng dại. Tỉnh đề xuất các biện pháp phòng chống bệnh dại, trong đó đặt lên hàng đầu là chính sách tiêm vaccine dại miễn phí cho người nghèo. Trong khi đó, tại Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2019, đã có gần 6.700 người bị có cắn phải đi điều trị dự phòng bệnh dại, đồng ghi nhận 4 ca tử vong vì bệnh dại. Các trường hợp tử vong đều không tiêm phòng dại.
Đây chỉ là những con số tiêu biểu trong số 18 tỉnh thành phố tại Việt Nam có số ca tử vong do dại cao trên người 2018-2019. Bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh gây tử vong khi các triệu chứng biểu hiện trên cả người và động vật. Bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp như tiêm vaccine dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn, bên cạnh đó cần quản lý tốt đàn chó, và tiêm vaccine cho chó.
WHO và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) đều nhận thức rõ và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam loại trừ bệnh dại ở tất cả các tuyến. Phòng bệnh bằng vaccine dại cho người và động vật là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người; nhận thức và tham gia của cộng đồng là chìa khóa then chốt cho sự thành công trong công tác phòng chống bệnh dại.
Mặt khác, phòng, chống và loại trừ bệnh dại cần theo hướng Một Sức Khỏe, cụ thể là sự hợp tác hiệu quả giữa các ngành Y tế và ngành Thú y./.
Bắt nhốt đàn chó cắn bé trai tử vong và từng tấn công nhiều người
Một đàn chó cắn bé trai 7 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch