Chiếc KC-46A tiếp nhiên liệu (do hãng Boeing chế tạo và nằm trong biên chế của Không quân Mỹ) đã thực hiện chuyến bay đầu tiên mang tính lịch sử đối với chương trình chế tạo này sau nhiều lần trì hoãn.

Nhân viên Jerry Pham của hãng Boeing đã đăng tải trên Twitter bức ảnh cho thấy chiếc máy bay cất cánh gần Seattle.

Đoạn tweet viết đầy tự hào: “Chiếc KC-46 Pegasus, tương lai của tiếp nhiên liệu trên không, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình”.

may_bay_tiep_nhien_lieu_kc_46a_cgjw.png
Máy bay tiếp nhiên liệu KC-46A. Ảnh: Defensetech.

Boeing, hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới, vào đầu mùa hè 2015 cho biết: chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của loại máy bay nay (có tên Pegasus và dựa trên máy bay thương mại chở khách hai động cơ 767), sẽ được hoãn tới cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 năm này. Kế hoạch ban đầu là vào mùa xuân 2015.

Ngay cả vào ngày 25/9 (giờ Mỹ), thiên nhiên có vẻ cũng không muốn “hợp tác” khi trời mưa khiến chuyến bay thử nghiệm bị lùi lại vài tiếng đồng hồ.

Theo các tài liệu của Lầu Năm Góc, Không quân Mỹ lên kế hoạch chi 49 tỷ USD để phát triển và chế tạo 149 máy bay trong tổng số máy bay dùng để thay thế đội máy bay K-135 đã cũ kỹ.

Theo Trading Alpha, Boeing dự báo các máy bay tiếp nhiên liệu mới này sẽ có thị phần tới 80 tỷ USD.

Hãng chế tạo máy bay này  lên kế hoạch bàn giao lô 18 chiếc KC-46A đầu tiên vào tháng 8/2017 bất chấp một chuỗi các thử thách về mặt kỹ thuật xảy ra trong khuôn khổ chương trình chế tạo.

Hệ thống nhiên liệu của máy bay đang được khắc phục sau khi các công nhân đưa nhầm chất hóa hóa lên trên máy bay. Công việc khắc phục này đã tiêu tốn hơn 800 triệu USD, theo nhật báo The Oklahoman – tờ báo ở bang Oklahoma, một trong 3 bang đặt căn cứ của máy bay này./.