Theo DefenseNews, lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite đã sử dụng xe tăng MIA1 được lắp súng máy của Nga sử dụng đạn của Iran để chiến đấu chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (IS) dòng Sunni.

xe_tang_abraham_qrqi.jpg
Xe tăng Abrams.

Theo nguồn tin của DefenseNews, lực lượng Shiite đã để lại một xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp tại một xưởng sửa chữa vũ khí ở Iraq do Mỹ hỗ trợ. Các thợ sửa chữa ở đây đã rất ngạc nhiên khi thấy một súng máy của Nga được gắn trên chiếc tăng này, kèm theo đó là loại đạn do Iran sản xuất.

Cụ thể, xe tăng MIA1 đã được lắp đặt một súng máy cỡ nòng .50 do Nga sản xuất và kèm theo đạn 12,75mm của Iran.

Nguồn tin từ cơ sở sửa chữa vũ khí nhớ lại: “Ngay khi tất cả số đạn trên xe được nhân sự người Iraq tháo bỏ, chúng tôi thấy những ký hiệu của Iran ở phần sau các vỏ đạn. Dường như họ đã lắp đặt một súng máy của Nga kèm kđạn của Iran lên chiếc tăng Abrams”.

Hiện có tình trạng vũ khí của Mỹ ở Iraq rơi vào tay các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (IS). Sau khi buộc phải tiến hành các cuộc không kích phá hủy 10 xe tăng chiến trường chủ lực do nhóm IS chiếm được từ quân đội Iraq, Mỹ hiện đang phải “đấu tranh” tiếp với tình trạng vũ khí của họ bị chuyển tự nguyện sang các lực lượng Shiite chiến đấu cùng với Iraq chống lại lực lượng cuồng tín Hồi giáo dòng Sunni.

Theo Phó Đô đốc Joseph Rixey, giám đốc Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng/Mỹ, “phiên bản tăng lai ghép Mỹ-Nga” nói trên có thể “vi phạm kép” các hiệp định FMS của Iraq với Mỹ, do việc sử dụng “không phép” của lực lượng dân quân Shiite và việc lắp đặt “không phép” súng của Nga và đạn của Iran.

Ông Rixey nói: “Bất cứ khi nào thực hiện một hợp đồng mua bán vũ khí với nước ngoài, luôn có một yêu cầu là phải thực hiện việc giám sát sử dụng và chấm dứt sử dụng, và sẽ là vi phạm nếu thực hiện sự thay thế không được phép”.

Một binh sĩ Iraq đang lấy đường ngắm cho khẩu súng máy trên xe tăng Abrams. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Giám đốc Nhóm Nghiên cứu Chiến lược/Iraq Wathaq al-Hashimi đã khẳng định sự tồn tại của các chiếc tăng “lai ghép” M1 Abrams: “Iraq đã phụ thuộc vào nhiều nguồn cung vũ khí khác nhau, vì thế họ đã kết hợp những vũ khí này vào các hệ thống khác nhau để tăng độ hiệu quả”. Ai-Hashimi cho biết đây không phải là lần đầu tiền các lực lượng Iraq – với mong muốn có hỏa lực mạnh hơn để chiến đấu với IS – đã kết hợp các hệ thống vũ khí của Nga với vũ khí của Mỹ.

Cũng theo al-Hashimi, “các hệ thống vũ khí của Nga được lắp đặt trên tăng M1Abrams của Mỹ, đặc biệt là các loại tên lửa chống tăng, được sử dụng để chống lại các xe bom của IS. Các lực lượng của Iraq cần kết hợp nhiều hệ thống khác nhau khi họ nhận được vũ khí từ Mỹ, Nga, Iran và các nguồn khác từ châu Âu”.

Al-Hashimi cho rằng, việc kết hợp vũ khí như vậy có thể sẽ dẫn đến bất đồng giữa Mỹ và Iraq liên quan đến các điều khoản mua bán, tuy nhiên “có mối đe dọa thực tế hơn từ các xe bom của IS đã buộc Thủ tướng phải tới Nga cùng với Bộ trưởng Quốc phòng để mua các hệ thống tên lửa chống tăng – được lắp trên các xe tăng do Mỹ cung cấp”.

Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, Chính phủ Iraq là khách hàng của hợp đồng mua xe tăng chiến đấu từ Mỹ nên phải có nghĩa vụ kiểm soát và thực thi các điều khoản trong hợp đồng, nếu có sự việc ngoài hợp đồng xảy ra thì phải báo cáo kịp thời với các cơ quan của Mỹ ở Iraq.

Mỹ bán vũ khí cho Iraq với điều kiện rằng những vũ khí này phải nằm dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của các lực lượng an ninh Iraq (ISF).

Đánh giá về sự việc này, Thiếu tướng Không quân Israel Amos Yadlin, từng đứng đầu tình báo quân sự Israel cho rằng chẳng có gì lạ nếu các lực lượng Hezbollah ở Iraq hay thậm chí Syria có được các xe tăng chiến đấu chủ lực của Mỹ: “Điều này không có gì ngạc nhiên, bởi vì Quân đội Iraq và lực lượng dân quân Shiite, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran hay một số lực lượng đặc nhiệm của Mỹ hiện đang chiến đấu chống lại cùng một kẻ thù”./.