Sputnik điểm danh các quốc gia Đông Nam Á muốn mua tên lửa BrahMos, còn RIA Novosti thì cho hay, hợp đồng xuất khẩu tên lửa BrahMos đầu tiên sẽ được ký với một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á có quan hệ thân thiện với Nga và không có bất kỳ xung đột nào với Ấn Độ vào cuối năm 2016.

“Hiện giờ vẫn còn quá sớm để nói về hợp đồng chính thức, nhưng chúng tôi đang tích cực đàm phán. Rất nhiều khả năng hợp đồng xuất khẩu BrahMos đầu tiên sẽ được ký trong cuối năm 2016”, phát ngôn viên Liên doanh BraMos Aerospace, Praveen Pathak nói với hãng thông tấn RIA Novosti. 

1_zyxo.jpg

Về quốc gia nhập khẩu tên lửa BrahMos, ông P. Pathak cho biết, đó là quốc gia có quan hệ thân thiện với Nga và không có bất kỳ xung đột nào với Ấn Độ. Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/4, hãng tin Nga Sputnik dẫn nguồn tin từ người đại diện BrahMos Aerospace cho biết, một số quốc gia Đông Nam Á đang quan tâm đến việc mua tên lửa BrahMos. Đây là khu vực đầy hứa hẹn của liên doanh sản xuất tên lửa Nga - Ấn.

Ông này cho biết thêm, tại triển lãm tại triển lãm Defense & Security - 2015, một số đại diện cao cấp của Bộ Quốc phòng Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines,... đã đến thăm khu vực trưng bày tên lửa BrahMos. Dù đàm phán chính thức vẫn chưa được thực hiện, "nhưng có khả năng cao là họ sẽ trở thành khách hàng của chúng tôi trong tương lai".

Phát triển dựa trên nền tảng tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Oniks (Yakhont) của Nga, BrahMos có thể đạt tốc độ từ Mach 2,5-2,8 (Mach – tốc độ âm thanh) và tầm bắn đạt 280 km. Với việc giới thiệu BrahMos-A, dòng đạn tên lửa hành trình hợp tác Nga-Ấn BrahMos đã có đủ các phiên bản hải-lục-không quân. 

Giới chuyên gia đánh giá BrahMos-A có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, nhất là đối với các quốc gia đang sở hữu các biến thể máy bay chiến đấu Su-30MK nhập khẩu từ Nga.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được đánh giá là "không có đối thủ cạnh tranh" bởi sở hữu các tính năng kỹ thuật và tác chiến ưu việt. Việc ngăn chặn loại tên lửa nhanh nhất thế giới này là rất khó khăn do tốc độ và các chế độ bay phức tạp của nó. 

 

Theo tính toán của giới chuyên gia, một cuộc phóng loạt 9 tên lửa hành trình BrahMos bảo đảm tiêu diệt hoàn toàn ba tàu khu trục của đối phương sở hữu phòng thủ tên lửa hiện đại.

Hiện, cả Nga và Ấn Độ đều "bật đèn xanh" cho việc xuất khẩu tổ hợp vũ khí này sang nước thứ 3. Giá thành chuyển giao mỗi tổ hợp vũ khí này được định giá vào khoảng 3 triệu USD.* Liên doanh BrahMos Aerospace được thành lập năm 1998, trong đó, tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ nắm 50,5% cổ phần doanh nghiệp, 49,5% cổ phần thuộc về Tổ hợp Khoa học sản xuất Cơ khí của Nga.

BrahMos Aerospace đóng trụ sở chính tại Ấn Độ nhưng tổ chức hoạt động sản xuất ở cả hai nước, cùng hợp tác với hàng chục doanh nghiệp phụ cận tại Ấn Độ và Nga.

Nga là nhà chế tạo chính của phần tên lửa, Ấn Độ đảm nhiệm thiết kế về tổ hợp. Hàng chục vụ phóng thử nghiệm thành công diễn ra trong các điều kiện khác nhau đã xác nhận chất lượng cao của sản phẩm từ BrahMos Aerospace./.