Người kỹ sư trưởng tài năng nhưng truân chuyên
Gerald Vincent Bull (sinh 1928) trở thành tiến sĩ trẻ tuổi nhất ngành Cơ khí không gian tại Trường Đại học Toronto (Canada) khi mới 23 tuổi. Năm 1952, Bull được nhận vào làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu và Chế tạo Vũ khí của Canada (CARDE) - nơi chàng tiến sĩ trẻ ấp ủ dự án chế tạo một loại đại bác tầm xa có thể hạ được các máy bay siêu thanh.
Năm 1960, từ bỏ CARDE, con người vốn thông minh nhưng mạo hiểm này đến Đại học McGill làm việc và đảm trách dự án chế tạo đại bác có thể phóng vệ tinh, vốn được cả Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Canada rất quan tâm.
Sản phẩm dự án HARP tại Barbados; Nguồn: mechtraveller.com |
Ý tưởng về súng đa khoang - ngoài phần thuốc súng chính, các phần thuốc phóng bổ sung được đặt trong các nhánh dọc theo chiều dài của nòng súng, ra đời vào năm 1878. Một năm sau, các kỹ sư người Mỹ Lyman và Haskell đã thực hiện phần lý thuyết, và ý tưởng bị lãng quên cho đến Thế chiến II - khi các tướng Đức mong muốn một loại vũ khí uy lực.
Tuy nhiên, hầu như tất cả các loại pháo được gọi là V-3 hay “máy bơm áp lực cao” đều bị không quân Anh phá hủy. Lần thứ ba, vào năm 1961, ý tưởng được hồi sinh bằng Dự án nghiên cứu độ cao (High Altitude Research Project - HARP) của Mỹ và Canada - thực chất tạo ra một phương tiện rẻ và dễ dàng phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo thấp của Trái Đất, do Bull chủ trì.
Bull và các đồng nghiệp cũng đã tiến hành nâng cấp các loại pháo cũ của Hải quân Mỹ để bắn các thiết bị thăm dò khí hậu hai chiều vào quỹ đạo. Năm 1967, do bất đồng quan điểm, Bull quay về Canada thành lập Công ty Cổ phần Nghiên cứu Vũ trụ Quebec (SRCQ) chuyên về lĩnh vực chế tạo, sản xuất các loại đại bác. Ông đã đưa ra ý tưởng chế tạo siêu đại bác để phóng vệ tinh vào không gian, thay cho việc dùng hỏa tiễn để tiết kiệm chi phí, đặc biệt là nhiên liệu. Các loại súng của Bull có thể bắn xa tới 2km bằng nhiên liệu khí gas.
Thông qua CIA, năm 1978, SRCQ đã bán cho Nam Phi 200 khẩu đại bác tầm xa GC 45, đóng vai trò quan trọng giúp Nam Phi chiến thắng Angola vào năm 1979. Năm 1980, Bull bị bắt vì vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Nam Phi và bị một tòa án Canada tuyên phạt 1 năm tù giam (Theo tờ New York Times, năm 1976, Gerald Bull bị bắt vì tội danh vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Nam Phi, bị tòa án Mỹ tuyên phạt 6 tháng tù giam. Ra tù, Bull tiếp tục duy trì giao thương với Nam Phi, và lần này bị phạt 55.000 USD).
Được trả tự do, Bull chuyển đến Bỉ sinh sống và thành lập Công ty EPRB chuyên tư vấn về chế tạo, sản xuất các loại siêu đại bác. Vào những năm 1980, với mong muốn dẫn đầu thế giới Arab trong lĩnh vực công nghệ, trở thành siêu cường vũ khí, cũng là lúc cuộc chiến giữa Iraq và Iran đang ở thế giằng co, Iraq muốn có một loại đại bác tầm xa lưỡng dụng, vừa sử dụng trên chiến trường, vừa có thể phóng được cả vệ tinh lên quỹ đạo. Saddam Hussein lúc đó đang là Bộ trưởng Quốc phòng Iraq đã chủ động liên lạc với Bull và đề nghị hợp tác.
Tiến sĩ Gerald Vincent Bull năm 1964. Nguồn: warhistoryonline.com |
Giai đoạn này, Iraq chẳng ưa Mỹ lẫn phương Tây nên hai con người này đã tìm được tiếng nói chung và trở thành cặp bài trùng ăn ý. Một hợp đồng mua bán đã được ký kết giữa Iraq và EPRB, theo đó, EPRB bán cho Iraq 200 khẩu đại bác loại GH-N 45 cỡ nòng 115mm (GC 45 cải tiến) có tầm bắn đến 48km. Trong năm 1985, 200 khẩu GH-N 45 đã được chuyển giao cho Iraq qua Jordan; với số vũ khí đó, quân đội Iraq đã chiếm thế thượng phong trên chiến trường và giải quyết nhanh chóng cuộc chiến với Iran bằng một thỏa thuận đình chiến có nhiều lợi điểm cho Iraq.
Dự án “siêu đại bác” vĩ đại nhưng đoản mệnh
Sau khi thương thảo, năm 1988, Baghdad đồng ý cấp cho Bull 25 triệu USD để thực hiện dự án mang tên Project Babylon, và Bull còn có nhiệm vụ giúp Iraq cải thiện hệ thống pháo hiện có. Theo thỏa thuận, dự án pháo không gian đầu tiên của nhân loại Babylon sẽ cho ra đời 3 siêu đại bác, gồm 1 khẩu Baby Babylon (System 350) có cỡ nòng 350mm, chiều dài nòng 45m, có thể bắn viên đạn 136kg với 15kg thuốc nổ xa đến 750km; và 2 siêu pháo Big Babylon được trang bị hệ thống dẫn đường giai đoạn cuối, cỡ nòng 1.000mm, dài 156m, nặng 1.510 tấn, tốc độ đạn 3km/s.
Big Babylon là siêu pháo lớn nhất, "soán ngôi" tất cả các siêu đại bác mà con người từng chế tạo, kể cả các loại pháo khổng lồ của Đức Quốc xã trong Thế chiến I và II, hay những khẩu pháo ra đời sau chiến tranh. Về lý thuyết, siêu pháo Big Babylon có thể sử dụng 9 tấn nhiên liệu đẩy, bắn đầu đạn nặng từ 600kg đến 2.000kg với tầm bắn 1.000km - bao trùm cả Iran lẫn Kuwait. Một nhiệm vụ khác của Babylon là tiêu diệt các vệ tinh tình báo -các đầu đạn Baby Babylon hay Big Babylon sẽ nổ tung ngoài không gian và bắn ra các mảnh xa hàng chục km để phá hủy vệ tinh.
Công nghệ Babylon không những được dùng để phóng vệ tinh vào quỹ đạo mà còn giúp kiểm tra tác động tốc độ của các mảnh vỡ không gian trên lớp bảo vệ vệ tinh. Đặc biệt, với Big Babylon, người ta có thể tiết kiệm được rất nhiều nhiều chi phí cho việc phóng vệ tinh. Theo ước tính của Cơ quan nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), để đưa một vệ tinh hiện đại lên quỹ đạo, sử dụng tên lửa thông thường có thể tốn 22.000 USD/kg, nhưng đối với Big Babylon, chi phí chỉ 1.727 USD/kg.
Một số tính năng của các “siêu pháo”; Nguồn: bbc.com |
Linh kiện cho Big Babylon được bí mật nhập khẩu dưới dạng các hợp đồng trá hình (đóng mác “đường ống áp lực phục vụ hóa dầu”) từ Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Italy, qua nhiều ngả khác nhau, đặc biệt kết cấu thép do hãng Sheffield Forgemasters cung cấp toàn bộ. Tháng 5/1989, siêu pháo Baby Babylon đã hoàn thành, được đặt tại căn cứ quân sự Jabal Hamryan cách thủ đô Baghdad 145km về phía Bắc. Điểm yếu rõ nhất của khẩu siêu pháo này là có khối lượng 102 tấn, hoàn toàn bất động, không thể di chuyển được.
Theo New York Time, trong thời gian tham gia dự án Babylon với Iraq, Bull liên tục nhận được thư nặc danh, yêu cầu từ bỏ công việc nhưng ông ta vẫn phớt lờ. Ngày 22/3/1990, Bull bị ám sát bằng 5 phát đạn vào ngực và đầu tại Brussels, căn hộ của ông bị phá tan, trừ két sắt vẫn còn nguyên 20.000 USD tiến mặt không bị hư hại. Cuộc điều tra về vụ sát hại Bull kéo dài nhiều tháng liền nhưng không có kết quả.
Cho đến nay, không ai biết ai đứng sau cái chết của Bull, nhưng Cơ quan tình báo đối ngoại Israel (Mossad) được cho là chủ mưu - “ra tay” nhằm ngăn ngừa hậu họa. Sự nghi ngờ bắt nguồn từ việc Mossad là người đầu tiên công bố thông tin về sự liên quan của các đặc vụ Iraq tới vụ ám sát, chỉ vài giờ sau khi vụ án xảy ra. Thực ra, Mossad không có thù hằn riêng với Bull, nguyên nhân là do Bull đã bí mật giúp Iraq cải tiến tên lửa Scud để có thể bắn tới lãnh thổ Israel, chứ không phải là siêu đại bác.
Một phần của siêu đại bác Iraq tại Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia Duxford. Nguồn: warhistoryonline.com |
Các cơ quan tình báo của Mỹ, Anh, Iran, Syria, và Nam Phi, thậm chí cả tình báo Iraq cũng bị nghi ngờ có liên quan đến vụ ám sát. Còn có giả thuyết rằng một thế lực nào đó từ Chile đã ra lệnh giết Bull bởi những mối quan hệ giữa ông với nhà độc tài Chile - tướng Pinochet. Chính phía Iraq cũng thừa nhận Bull bị theo đuổi bởi tình báo của rất nhiều nước, trong đó có cả CIA của Mỹ và MI6 của Anh nên khó có thể xác định chính xác ai là hung thủ đã sát hại vị kỹ sư trưởng này. Cái chết của Bull đã làm gián đoạn dự án Babylon, và sau đó, cái chết của Saddam Hussein cũng mang theo nhiều bí mật liên quan đến Big Babylon xuống địa ngục.
Nhằm ngăn Iraq tiếp tục chế tạo siêu đại bác, tháng 11/1990, hải quân Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã chặn và bắt giữ tất cả các chuyến tàu chuyên chở linh kiện cho dự án Babylon. Sau chiến tranh Vùng Vịnh, Iraq thừa nhận về dự án Babylon, chấp nhận phá hủy chúng dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc.
Tháng 9/1995, tại căn cứ Jabal Hamryan, các thanh sát viên Liên Hợp Quốc phá hủy Baby Babylon và các phụ kiện dùng để lắp ráp Big Babylon. Di sản duy nhất còn lại của dự án điên rồ này là hai ống thép khổng lồ đang được trưng bày tại Bảo tàng Vũ khí Hoàng gia Anh. Nhưng đáng nói là chính người Iraq đã tuyên bố rằng, trong tay người Anh hoàn toàn không phải là một khẩu súng, mà chỉ là một phần của ống dầu!./.