Reutersdẫn lời các nhà ngoại giao Ukraine nhận định, chuyến thăm mang tính biểu tượng ngày 21/9 này thể hiện sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine trong bối cảnh cả phương Tây và Ukraine đều cáo buộc Nga ủng hộ phe đối lập tại miền Đông chiến đấu chống lại quân chính phủ Ukraine.

ukraine_lwon.jpg
Binh sĩ Ukraine tại một trạm kiểm soát ở miền Đông nước này. Ảnh AP

Cũng trong chuyến thăm này, Tổng thư ký NATO Stoltenberg sẽ chứng kiến việc Ukraine ký thông qua học thuyết mới coi Nga là “kẻ xâm lược” với cáo buộc Nga chiếm Crimea từ Ukraine.

“Học thuyết mới này sẽ coi Nga là kẻ thù quân sự của Ukraine và nhiều khả năng Nga sẽ điều động quân sự ở quy mô lớn chống lại Ukraine”, tuyên bố từ Ukraine nêu rõ.

Tuy nhiên, khác với người tiền nhiệm của mình, ông Stoltenberg sẽ tránh đưa ra những lời chỉ trích trực tiếp nhằm vào Nga do lo ngại điều này có thể làm leo thang căng thẳng trong vấn đề Ukraine.

Ngoài ra, ông Stoltenberg nhiều khả năng sẽ không hưởng ứng lời đề nghị của Ukraine rằng NATO cần cung cấp vũ khí cho nước này.

Ông Stoltenberg coi vấn đề Ukraine là phức tạp nhất trong rất nhiều vấn đề mà châu Âu đang phải đối mặt. Ông cũng là người ủng hộ thỏa thuận 11 điểm mà các bên đã ký tại Minsk vào tháng 2 vừa qua nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Ukraine.

Ngoài ra, ông Stoltenberg cho rằng, vai trò của NATO sẽ chỉ giới hạn trong việc giúp Ukraine xây dựng lại lực lượng vũ trang nước này.

Trước đó, năm 2010, Ukraine từng từ chối lời đề nghị gia nhập NATO. Tuy nhiên, hiện nay, Ukraine đã lên tiếng cho rằng, việc trở thành thành viên của NATO là cách duy nhất để bảo vệ lãnh thổ của mình và điều này khiến NATO tiến thoái lưỡng nan bởi NATO muốn tránh những hành động khiêu khích Nga. Trước đó, Nga đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc NATO mở rộng sang phía Đông.

"Tôi lo sợ rằng tình hình có thể nghiêm trọng hơn”, ông Stoltenberg tuyên bố: “Đó là điều mà chúng tôi muốn tránh bởi tình hình căng thẳng hiện nay đã là quá đủ rồi”.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko từng lên tiếng cảnh báo rằng, việc phe đối lập quyết định tự đứng ra tổ chức bầu cử tại miền Đông có thể hủy hoại hoàn toàn thỏa thuận Minsk.

Tuy nhiên, hiện ông Poroshenko đang phải hứng chịu áp lực từ châu Âu yêu cầu chính quyền Ukraine phải cải cách nhanh hơn nữa nếu muốn nhận được tài trợ của châu Âu.

Cũng trong chuyến thăm Ukraine lần này, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng sẽ là người tuyên bố bắt đầu cuộc tập trận giữa Ukraine và NATO. Tuy nhiên, cuộc tập trận này không mang tính chất quân sự.

Ngoài ra, ông Stoltenberg cũng sẽ chứng kiến việc mở văn phòng tùy viên NATO tại Kiev với quy chế ngoại giao đầy đủ. Văn phòng này được Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavlo Klimkin coi là “một Đại sứ quán của NATO tại Ukraine” và thể hiện mong muốn của Ukraine tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu này./.