Tại xưởng đóng tàu lịch sử Baltic Shipyard của Saint Petersburg, hàng trăm công nhân đang sử dụng các phương tiện và thiết bị, gấp rút xây dựng 4 tàu phá băng chạy bằng hạt nhân.

Với lá cờ Nga và cái tên được đặt theo những khu vực phía bắc của quốc gia này, những con tàu khổng lồ trên sẽ đóng góp vào việc đảm bảo ưu thế của Nga ở vùng Bắc Cực đang tan chảy.

Nga đã nỗ lực để trở thành quốc gia dẫn đầu ở khu vực này, nơi mà băng tan chảy đang giúp Moscow phát triển một tuyến vận chuyển mới. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa Bắc Cực trở thành một ưu tiên, đầu tư mạnh mẽ vào dự án mang tên Tuyến đường Biển Bắc, vốn cho phép tàu thuyền tới các cảng biển châu Á nhanh hơn tới 15 ngày so với việc đi qua Kênh đào Suez như thông thường.

Việc đi lại qua phía đông Bắc Cực thường kết thúc vào tháng 11 nhưng Nga hy vọng những tàu phá băng sẽ giúp nước này tận dụng tuyến đường trên quanh năm khi nó ngày càng trở nên dễ tiếp cận bởi sự biến đổi khí hậu.

Các tàu phá bằng bắt đầu hành trình của mình từ xưởng đóng tàu Baltic Shipyard, nơi sản xuất tất cả tàu phá băng chạy bằng hạt nhân của Liên Xô, ngoại trừ tàu Lenin.

Kirill Myadzyuta, người phụ trách việc xây dựng của xưởng đóng tàu này cho biết, 4 con tàu phá băng mới mang tên "Sibir", "Ural", "Yakutia" và "Chukhotka" sẽ là "một bước tiến lớn" cho sự phát triển của Bắc Cực.

Những con tàu này được thiết kế để chống chịu trước những điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Bắc Cực với chiều cao 52 mét, chiều dài 173 mét và có thể phá vỡ những khối băng dày tới 2,8 mét.

Mỗi con tàu trên có chi phí khoảng 400 triệu USD và việc xây dựng chúng cần khoảng hơn 1.000 người làm việc trong vòng từ 5 - 7 năm.

Tàu phá băng "Sibir" (Siberia) dự kiến sẽ xuất xưởng vào cuối năm nay, trong khi những con tàu khác dự kiến sẽ tham gia vào hạm đội của Rosatom ở Murmansk vào năm 2022, 2024 và 2026.

"Đây là một con tàu rất tốt", thuyền trưởng tương lai của Sibir - ông Oleg Shapov, người đang ở Saint Petersburg để giám sát giai đoạn xây dựng cuối cùng của con tàu, cho hay.

Ông Shapov cho biết Sibir sẽ là một phiên bản cải tiến so với người tiền nhiệm Arktika.

"Chúng tôi thực sự cần những con tàu này ở Bắc Cực", ông Shapov cho hay.

Những con tàu phá băng là những nhân tố thay đổi cuộc chơi được Nga sử dụng để thực hiện những tham vọng ở Bắc Cực, Leonid Grigoriyev thuộc Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow nhận định.

Trong khi Nga đang thúc đẩy việc sử dụng Tuyến Biển Bắc thì ông Grigoriyev cho rằng, phía đông Bắc Cực "vẫn hoàn toàn đóng băng và không thể hoạt động quanh năm nếu không có các tàu phá băng".

Sự phát triển của Tuyến Biển Bắc sẽ đặc biệt đơn giản hóa việc vận chuyển dầu và khí đốt tới Đông Nam Á bằng cách kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương qua Bắc Cực trong thời gian nhanh kỷ lục.

Sự cạnh tranh toàn cầu đối với các tuyến đường biển ở Bắc Cực đang ngày càng gia tăng và có thể làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Trong lễ khai trương tàu phá băng Arktika vào năm ngoái, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã khẳng định hạm đội tàu phá băng "sẽ đảm bảo ưu thế vượt trội của Nga ở Bắc Cực"./.