Vũ khí hạt nhân của Ukraine
Theo Hiệp hội kiểm soát vũ khí Mỹ, cuối năm 1990, kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô gồm hơn 10.200 đơn vị; một phần lớn kho vũ khí hạt nhân này được lưu giữ trên lãnh thổ Ukraine. Sau sự tan rã của Liên Xô, các cường quốc hạt nhân trong Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) chính thức có Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Riêng Ukraine, đứng thứ 3 thế giới về vũ khí hạt nhân, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa và máy bay ném bom chiến lược, cũng như các phương tiện thiết kế và sản xuất.
Ukraine được quyền thừa kế khoảng 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô, gồm 130 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) UR-100N với 6 đầu đạn, 46 RT-23 Molodets với 10 đầu đạn, cùng 33 máy bay ném bom hạng nặng, với tổng cộng khoảng 1.700 đầu đạn. Ban đầu, Nga không có ý định “ôm” tất cả các vũ khí chiến lược của Liên Xô. Ngày 21/12/1991 tại Alma-Ata, Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã ký một thỏa thuận về các biện pháp chung kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Ngày 30/12/1991, tại Minsk, các quốc gia CIS đã nhất trí thành lập Bộ Tư lệnh Lực lượng Chiến lược Thống nhất về vũ khí hạt nhân Liên Xô. Theo điều khoản 4 của Thỏa thuận được ký kết, quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân phải được đưa ra bởi Tổng thống Nga, nhưng bắt buộc phải có thỏa thuận với người đứng đầu Ukraine, Belarus và Kazakhstan, cũng như tham khảo ý kiến các thành viên CIS khác. Tuy nhiên, trước đó, ngày 25/12/1991, Tổng thống Nga Yeltsin đã nhận từ Gorbachev cái gọi là vali hạt nhân, trở thành chủ sở hữu duy nhất của chìa khóa biểu tượng kho vũ khí chiến lược của Liên Xô.
Trong số các thành viên CIS và ở các nước phương Tây, ngày càng có niềm tin rằng, hậu Xô Viết, không có nước cộng hòa nào, ngoại trừ Nga, có thể bảo quản và đảm bảo mức an toàn cần thiết cho các đầu đạn hạt nhân.
Vấn đề thiếu kiểm soát thống nhất vũ khí chiến lược của Liên Xô cũng đã gây ra mối quan ngại lớn ở Mỹ và Châu Âu. Bộ chỉ huy thống nhất các lực lượng chiến lược đã không bao giờ được thành lập. Bộ Quốc phòng Nga nhận về mình quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Đến cuối năm 1992, việc kiểm soát lực lượng hạt nhân chiến lược trên thực tế do Moscow độc quyền, không có sự tham gia của Kiev, Minsk và Alma-Ata.
Ukraine gia nhập NPT
Năm 1992, các quốc gia thành viên CIS ủng hộ ý định ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) của Nga, bày tỏ mong muốn tham gia thỏa thuận với tư cách là các quốc gia phi hạt nhân. Năm 1994, Ukraine tham gia NPT với tư cách là một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, tiến hành chuyển giao tất cả các đầu đạn hạt nhân cho Nga và với sự hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ, tháo dỡ tất cả các phương tiện vận chuyển chiến lược. Ukraine phê chuẩn START ngày 3/2/1994, bãi bỏ các điều kiện tiên quyết trước đó.
Để củng cố các cam kết an ninh với Ukraine, ngày 5/12/1994, Mỹ, Nga và Anh đã ký Bản ghi nhớ Budapest. Ukraine đã đồng ý loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ của mình để đổi lấy sự đảm bảo của Nga về việc tôn trọng chủ quyền. Mỹ, Anh và Nga hứa sẽ không gây áp lực kinh tế đối với Ukraine, cũng như thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để hành động ngay lập tức trong trường hợp Kiev trở thành nạn nhân của một cuộc xâm lược vũ trang. Thông qua Bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo an ninh, Belarus, Kazakhstan và Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ từ năm 1994 đến 1996.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) kiểm tra mọi quốc gia tham gia hiệp ước để xác nhận những gì họ làm với vật liệu hạt nhân, chẳng hạn như nguồn uranium dự trữ. Họ đã kiểm tra xem Ukraine có loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân của mình vào năm 1994 hay không, những gì Ukraine làm với trữ lượng uranium của họ vẫn đang được thực hiện. IAEA có thể đã không xem xét một số lượng lớn các căn cứ quân sự hạt nhân bí mật vẫn tồn tại ở Ukraine từ thời Liên Xô.
Khi ấy, tại nước cộng hòa 50 triệu dân mới độc lập này, có một số thế lực muốn biến Ukraine thành một cường quốc sở hữu một lực lượng hạt nhân chiến lược mạnh, tuyên bố thẳng thừng, Kiev cần vũ khí hạt nhân để “ngăn chặn nước Nga”.
Tuy nhiên, trong thực tế, theo cựu Tổng thống Ukraine Kravchuk, Kiev hầu như không có cơ hội để làm khác, mặc dù vũ khí hạt nhân sẽ thực sự giúp kiềm chế kẻ thù. Nếu bị gây hấn, Ukraine sẽ không có gì để đáp trả. Thời hạn tồn tại về mặt kỹ thuật của các đầu đạn kết thúc vào năm 1997 và phải thay đầu đạn mới. Ukraine không sản xuất và không thể mua đầu đạn hạt nhân. Trong khi ông Yeltsin cảnh báo, sau năm 1997, Moscow sẽ không nhận về lãnh thổ Nga các đầu đạn quá hạn nguy hiểm và Kiev buộc phải “nhắm mắt đưa chân”…
Liệu Ukraine có đang che giấu điều gì?
Trong bối cảnh nhiều đơn vị quân đội Nga đang tập trung tại biên giới Nga-Ukraine nhưng chính giới Ukraine dường như không lo lắng ở mức cần thiết đã dấy lên suy đoán rằng Ukraine có thể vẫn đang nắm giữ một số vũ khí hạt nhân. Trong các cuộc tranh luận chính trị, đã có nhiều ý kiến cho rằng Nga "quan tâm" tới Ukraine để lấy dự trữ hạt nhân cũng như các thiết bị quân sự được tàng trữ trong các căn cứ quân sự bí mật của Liên Xô.
Cũng có khả năng Nga biết vẫn còn vũ khí hạt nhân ẩn bên trong Ukraine chưa được phương Tây tính đến và muốn có chúng. Điều này có nghĩa là thông tin được chia sẻ với IAEA có thể không chính xác.
Dù vậy, kể từ năm 2015, trữ lượng uranium của Ukraine đã giảm khá nhiều, từ khoảng 200.000 tấn đến khoảng 88.000 tấn được báo cáo vào năm 2020 thông qua một đánh giá do IAEA thực hiện. Các nguồn dự trữ có thể đã được trao đổi với các quốc gia khác cần nguyên liệu hạt nhân cho các nhà máy điện hoặc có thể được sử dụng cho những việc bí mật./.