Giới tướng lĩnh Nga cảnh báo rằng hệ thống tên lửa chống đạn đạo (ABM) toàn cầu của Mỹ đang kích thích một cuộc chạy đua vũ trang mới. Họ cho rằng hệ thống ABM này, với các căn cứ đặt ở Alaska, Romania và Ba Lan, đã làm tổn hại năng lực răn đe hạt nhân của Nga.
Tước bỏ “bảo kiếm” của Nga
Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga lo ngại, lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu có thể tạo điều kiện cho Mỹ bất ngờ tấn công hạt nhân ồ ạt vào Nga.
Tướng Viktor Poznikhir, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Chủ lực Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, nhận định: “Sự hiện diện của các căn cứ ABM của Mỹ ở châu Âu cùng với các chiến hạm có năng lực mang ABM ở các biển và đại dương gần lãnh thổ Nga tạo ra tiềm năng mạnh mẽ để họ tung đòn tấn công hạt nhân bất ngờ nhằm vào Nga”.
Tướng Poznikhir hôm 28/3 cho biết, các radar mặt đất của Mỹ trong hệ thống phòng thủ cảnh báo sớm tên lửa hạt nhân của nước này có thể dò ra bất cứ đường bay nào của tên lửa đạn đạo Nga hướng về phía Mỹ.
Thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo chung của Nga và Trung Quốc về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, tổ chức tại nơi diễn ra Hội nghị về Giải trừ Quân bị ở Geneva, Thụy Sĩ.
Tướng Poznikhir nói: “Các radar tĩnh của hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo Mỹ dò được mọi đường bay tiềm tàng của các tên lửa đạn đạo Nga theo hướng Mỹ. Phạm vi kiểm soát của các trạm radar Mỹ thực sự bao phủ toàn bộ lãnh thổ Nga. Các trạm này có năng lực bám sát đường bay của các đầu đạn tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm, đồng thời cung cấp dữ liệu bắt mục tiêu cho các trạm radar của tổ hợp chống tên lửa”.
Theo vị tướng này, việc sử dụng radar di động trên biển gần Alaska, các trạm radar ở Romania và Ba Lan, và hệ thống thông tin của các chiếm hạm chống đạn đạo làm gia tăng đáng kể độ nhanh và độ chính xác của dữ liệu bắt mục tiêu liên quan đến các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng đi từ biển, từ đó cải thiện năng lực đánh chặn bằng tên lửa chống đạn đạo.
Lãnh đạo Cục Tác chiến Nga nhấn mạnh: “Năng lực thông tin của hệ thống tên lửa chống đạn đạo (ABM) của Mỹ dự kiến sẽ phát triển hơn nữa nhờ vào việc xây dựng hệ thống không gian quỹ đạo thấp để dò tìm và bám sát các tên lửa đạn đạo. Việc truyền dữ liệu trực tiếp từ một phương tiện bay trong vũ trụ tới tên lửa chống đạn đạo sẽ cho phép hệ thống ABM của Mỹ vươn lên một tầm cao mới về chất”.
Vị tướng Nga giải thích thêm: “Các phương tiện thông tin và trinh sát của hệ thống ABM Mỹ hiện nay là để hỗ trợ việc dò các tên lửa đạn đạo Nga phóng lên, bám theo đường bay của chúng và cung cấp dữ liệu bắt mục tiêu cho các tổ hợp hỏa lực ABM nhằm đánh chặn đầu đạn tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm”.
Hội nghị Giải trừ Quân bị tổ chức ở Thụy Sĩ vào tháng 3/2017 tập trung vào an ninh toàn cầu và việc không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với sự tham gia của 65 nước thành viên.
Đe dọa an ninh toàn cầu
Tướng Poznikhir cho biết: “Việc triển khai lá chắn tên lửa đã phá hoại hệ thống an ninh quốc tế hiện tại một cách có hệ thống. Khi xây dựng năng lực phòng thủ tên lửa, Mỹ hy vọng giành lợi thế chiến lược thông qua việc làm giảm tiềm lực răn đe của Nga và Trung Quốc. Điều này có thể tạo ra các tác động tiêu cực lên lĩnh vực an ninh”.
Vị tướng Nga phân tích: “Một là, sự tồn tại của hệ thống phòng thủ tên lửa hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, từ đó tạo ra ảo tưởng Mỹ có thể núp dưới chiếc ô phòng thủ tên lửa để sử dụng các vũ khí tiến công chiến lược mà không bị trừng phạt. Hai là, phòng thủ tên lửa có thể làm đảo lộn thế cân bằng lực lượng răn đe hiện nay, do đó phá hoại việc thực thi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược năm 2010 và Lực lượng Hạt nhân Tầm xa năm 1987. Ba là, hệ thống phòng thủ tên lửa này tạo ra mối đe dọa đối với an toàn của hoạt động không gian quốc tế và cản trợ việc đạt được thỏa thuận về việc không triển khai vũ khí trong không gian”.
Ngoài ra, theo tướng Poznikhir, hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên là một nhân tố kích thích việc xây dựng các lực lượng tên lửa trên thế giới và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Hội chứng sợ Nga từ xưa là gốc gác Chiến tranh Lạnh hiện đại chống Nga
Nga ước tính, vào năm 2022 Mỹ sẽ có trong tay hơn 1.000 tên lửa đánh chặn, “vượt quá số lượng đầu đạn hạt nhân gắn trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Nga”.
Ông Poznikhir khẳng định số lượng tên lửa ABM của Mỹ như vậy “đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho năng lực kiềm chế đối phương của Nga, nhất là trong bối cảnh Mỹ vẫn không ngừng hiện đại hóa các tổ hợp hỏa lực ABM của họ”.
Theo vị tướng này, Mỹ đang tiếp tục phát triển hệ thống lá chắn tên lửa của họ với cái cớ là để chống trả mối đe dọa thấy rõ từ phía Triều Tiên và Iran trong khi phớt lờ các quan ngại lớn hơn của Nga.
Ông Poznikhir cũng bác bỏ luận điểm của Mỹ cho rằng lá chắn ABM không có năng lực đánh chặn tất cả các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga nếu Nga phóng đồng loạt các tên lửa này, và do đó không phá hoại an ninh của Nga.
Theo ông Poznikhir, việc Mỹ không ngừng phát triển và hoàn thiện ABM đã “thu hẹp cơ hội đối thoại về giảm vũ khí hạt nhân”.
Nga hiện đang kêu gọi Mỹ hãy đối thoại một cách công bằng và xây dựng về các vấn đề chống đạn đạo nhằm tìm kiếm giải pháp tính đến lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Tướng Poznikhir tiết lộ, Nga “buộc phải thực hiện các đối sách cần thiết nhằm ngăn ngừa các tổn hại có thể xảy đến với an ninh quốc gia do việc Mỹ tăng cường năng lực ABM”.
Theo Phó Cục trưởng Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Nga, nước này đã đề xuất phát triển chung một cấu trúc ABM ở châu Âu. “Tuy nhiên, các sáng kiến của chúng tôi đã bị bác bỏ”, ông Poznikhir nói./.