Tăng cường mua máy bay và tàu chiến
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Panjaitan đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng lực lượng tác chiến mặt nước “vượt đại dương” để bảo vệ các nguồn lợi thủy sản của nước này ở biển Bắc Natuna.
Sau vụ việc một tàu khảo sát của Trung Quốc được 2 tàu cảnh sát biển có vũ trang hộ tống bị cáo buộc tiến sâu vào vùng biển của Indonesia và quấy nhiễu hoạt động thăm dò khí đốt năm 2021, Jakarta càng thêm lo ngại về những diễn biến có thể xảy ra tiếp theo.
Indonesia có 2 khinh hạm lớp Sigma được sản xuất nội địa và 5 khinh hạm lớp Van Speijk – ra đời từ những năm 1960, tầm hoạt động của chúng khá hạn chế, từ 6.000 đến 9.000km.
Để tăng cường năng lực hải quân, Bộ trưởng quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã ký hợp đồng mua 2 khinh hạm Arrowhead 140 của Anh, dự kiến được đóng tại nhà máy Surabaya thuộc công ty đóng tàu quốc doanh PT PAL (Indonesia), đồng thời ký hợp đồng mua 6 khinh hạm đa năng FREMM mới và 2 khinh hạm nhẹ lớp Maestrale nâng cấp của Italy.
Khinh hạm Arrowhead 140 nặng 5.100 tấn, có tầm hoạt động 17.000km, tốc độ tối đa 30 hải lý/ giờ. Nó được trang bị tên lửa phòng không Sea Ceptor, máy bay trực thăng AugustaWestland Wildcat hoặc Sikorsky Seahawk có khả năng phóng tên lửa chống hạm và ngư lôi hạng nhẹ.
Hải quân Hoàng gia Anh hiện đang sở hữu 5 khinh hạm tương tự, nhưng nhiều chuyên gia quân sự cho biết, thiết kế cơ bản của Arrowhead 140 có thể được thay đổi để đáp ứng một loạt yêu cầu dành riêng cho các hoạt động của Indonesia. Thỏa thuận mua khinh hạm trị giá 720 triệu USD này sẽ là một thắng lợi với Indonesia vì nước này được hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ, không chỉ giúp chế tạo vũ khí nội địa mà còn giúp phát triển ngành công nghiệp đóng tàu.
Bên cạnh đó, công ty đóng tàu Fincantieri của Italy cũng thông báo sẽ đóng 6 khinh hạm FREMM với tổng sống tiền lên đến 4,5 tỷ USD. FREMM là một trong những lớp khinh hạm đa năng hiện đại nhất của châu Âu hiện nay, với 18 chiếc đang hoạt động trong hải quân của 5 nước trên thế giới. Với tổng lượng giãn nước tối đa 6.000 tấn, khinh hạm lớp FREMM có khả năng đạt tốc độ tới 27 hải lý/giờ, tầm hoạt động của lớp tàu này đạt 6.000 hải lý.
Đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa hải quân
Ngoài các tàu chiến nói trên, ông Subianto cũng đang xem xét mua thêm máy bay chiến đấu Boeing F-15EX Eagle II và Dassault Rafale để tăng thêm sức mạnh cho phi đội tiền tuyến gồm 3 chiến đấu cơ F-16 do Lockheed Martin sản xuất và 16 chiến đấu cơ Sukhoi Su-27, Su-30.
Tư lệnh không quân Indonesia Fadjar Prasetyo thời gian gần đây cho biết, nước này đã quyết định từ bỏ kế hoạch mua chiến đấu cơ đa năng Su-35 của Nga vì lo ngại lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Theo một số tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Indonesia, nước này sẽ dựa phần lớn vào các khoản vay nước ngoài để tài trợ cho chương trình hiện đại hóa quân đội với tổng trị giá 125 tỷ USD trong 25 năm tới.
“Nhiều hệ thống phòng thủ của chúng ta đã trở nên già cỗi, vì vậy việc thay thế chúng là điều cần thiết”, ông Prabowo Subianto lưu ý, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải ứng phó với “một môi trường luôn luôn thay đổi”.
Tuy vậy, Bộ trưởng Prabowo Subianto và nhiều quan chức quốc phòng khác của Indonesia không nhắc nhiều đến “hành vi gây hấn” của Trung Quốc ở biển Bắc Natuna – khu vực chồng lấn với yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông.
Theo các nhà quan sát hàng hải, Trung Quốc có vẻ như tiến hành ít hoạt động quân sự tại Biển Đông trong 2 tháng qua, nhưng việc Mỹ điều tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson và tàu đổ bộ lớp Wasp Essex cùng các tàu hộ tống tiến vào khu vực phía nam của Biển Đông ngày 12/1 có thể khiến Bắc Kinh tức giận và thực thi các hành động đáp trả.
Nhà nghiên cứu Muhamad Haripin tại Trung tâm nghiên cứu chính trị thuộc Viện Khoa học Indonesia, cho rằng, một trong những lý do khiến Indonesia đẩy mạnh mua khí tài quân sự là lo ngại về hành vi gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những thách thức hàng hải từ Trung Quốc và sự cạnh tranh giữa các nước lớn tại Đông Nam Á chắc chắn sẽ đòi hỏi Indonesia phải hiện đại hóa lực lượng hải quân nhiều hơn nữa trong những năm tới. Liệu Indonesia có hoàn thành nỗ lực hiện đại hóa của mình hay không vẫn còn là điều cần xem xét nhưng chắc chắn nước này có cơ hội xây dựng một lực lượng hải quân tốt hơn nhằm bảo vệ các tuyến đường thủy rộng lớn mà Jakarta cho là “đóng vai trò quan trọng”./.