NATO ra đời

Ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, các cường quốc Tây Âu đã cùng lúc quan tâm đến hai vấn đề - làm thế nào để tránh lặp lại cuộc thảm sát thế giới và làm thế nào để kiềm chế Liên Xô, mà lúc bấy giờ theo các nhà phân tích châu Âu, là quốc gia hùng mạnh. Thực tế việc đất nước Xô viết mất hơn 20 triệu người trong chiến tranh, các thành phố của Liên Xô nằm trong đống đổ nát và người dân Liên Xô nỗ lực đáng kinh ngạc để khôi phục cuộc sống và kinh tế…, đã không được lưu ý đến.

Ngay từ tháng 3/1948, Bỉ, Pháp, Anh, Luxembourg và Hà Lan đã ký một hiệp ước về Liên minh phòng thủ Tây Âu mà sau này là cơ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sau đó, các nước châu Âu đàm phán với Mỹ và Canada về việc thành lập một liên minh quân sự đã dẫn đến việc NATO chính thức ra đời ngày 4/4/1949, với 12 quốc gia tham gia: Bỉ, Pháp, Anh, Luxembourg, Hà Lan, Mỹ, Canada, Na Uy, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Italy, Iceland.

Các mục tiêu của liên minh này, theo Tổng thư ký đầu tiên của NATO - Lord Ismay - là “giữ Mỹ ở châu Âu, giữ Đức trong tầm kiểm soát, giữ Nga ở bên ngoài châu Âu”. Hơn 70 năm trôi qua kể từ đó, các phương châm này vẫn không thay đổi.

Liên Xô đã ít nhất 2 lần ngỏ lời gia nhập NATO

Các nhà lãnh đạo Liên Xô đã theo sát liên minh mới từ những ngày đầu tiên tồn tại. Trong đoạn ghi âm cuộc nói chuyện của Stalin với Đại sứ Pháp vào năm 1952, có chi tiết Stalin hỏi de Gaulle nghĩ gì về NATO. Đại sứ Pháp trả lời rằng Tổng thống của ông coi NATO là một liên minh hòa bình. Stalin cười và nói với Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyshinsky, người có mặt trong cuộc trò chuyện: “vậy có lẽ chúng ta nên tham gia liên minh?”. Hầu như không ai trong số các nhà phân tích nghi ngờ lời nói của nhà lãnh đạo Liên Xô có nhiều điều hơn là sự mỉa mai đơn giản.

Trước đó, vào năm 1951, tại một cuộc họp ở Paris, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Liên Xô A.A. Gromyko đã nói, nếu liên minh chỉ nhằm chống lại nguy cơ Đức tiến hành xâm lược, thì Liên Xô sẽ là một trong những nước đầu tiên tham gia. Các tài liệu lưu trữ do các nhà phân tích của Bộ Nội vụ Liên Xô, cũng như các chuyên gia từ các bộ phận đặc trách Mỹ và Liên Hợp Quốc (LHQ) soạn thảo cho thấy, các cường quốc phương Tây lo ngại về khả năng Liên Xô sẽ hất cẳng Mỹ khỏi châu Âu.

Các nhà ngoại giao Liên Xô lưu ý rằng sự hình thành và đối đầu của các khối quân sự toàn cầu luôn được theo sau bởi các cuộc chiến tranh thế giới. Để tỏ rõ thiện chí hòa bình trước cáo buộc Liên Xô đang âm mưu thành lập một hệ thống an ninh chống lại NATO, ngày 31/3/1954, Liên Xô chính thức “đệ đơn” xin gia nhập NATO với lý do được hiểu là Moscow trong thời kỳ hậu chiến đang nỗ lực tạo ra một hệ thống an ninh tập thể.

Kiến nghị của Liên Xô là một đòn ngoại giao luôn “nắm chắc phần thắng”. Theo Thứ trưởng Gromyko, nếu phương Tây từ chối, Liên Xô có thể coi đó như là một hành động cô lập ngoại giao và có thể xúc tiến thành lập một tổ chức an ninh tập thể riêng. Còn nếu được đồng ý, và không ngoại trừ điều này có thể xảy ra, khi Liên Xô đã nằm trong NATO, mục đích của liên minh này sẽ phải thay đổi, không còn có thể nhắm trực tiếp vào Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác được nữa.

Trong trường hợp Liên Xô được gia nhập NATO, Moscow sẽ yêu cầu bổ sung nội dung các nước NATO không được phép can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, ám chỉ đến sự xuất hiện của các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Âu. Tuy nhiên, trong văn phong, phía Liên Xô chỉ nói chung chung, nếu không thì Anh, Pháp, Mỹ có thể dựa vào đó mà tuyên bố rằng Liên Xô hành động nhằm mục đích tuyên truyền, khi đưa ra các điều kiện “không thể chấp nhận được”.

Đáng nói, ngoài Liên bang Xô viết, hai nước cộng hòa trong thành phần Liên Xô là Ukraine và Belarus cũng đồng thời gửi đơn xin gia nhập đến lãnh đạo NATO. Năm 1944, khi đang còn chiến tranh, Stalin đã có quyết định cho 15 nước cộng hòa “tách” ra trong một thời gian với các cơ cấu nhà nước độc lập. Sau Thế chiến II, Stalin đã lường trước được việc có thể Liên Xô sẽ bị “thân cô thế cô” tại LHQ nên đã đề nghị tổ chức này kết nạp thêm các nước cộng hòa của Liên Xô, viện dẫn trường hợp Anh và các lãnh thổ hải ngoại đều là thành viên của tổ chức này.

Cuối cùng, trong số 15 “nước cộng hòa độc lập”, chỉ có Ukraine và Belarus được LHQ chấp nhận làm thành viên, đồng nghĩa với việc Liên Xô có thêm ghế (và lá phiếu) khi biểu quyết. Lần này, trong chiến dịch “xâm nhập” NATO, Liên Xô lại tiếp tục đi thêm nước cờ đó. Nếu Ukraine và Belarus vào được NATO, điều đó cũng có nghĩa Liên Xô sẽ có thêm tiếng nói trong tổ chức này. Tuy nhiên, ngày 7/5/1954, Mỹ, Pháp, Anh đã bác bỏ, viện cớ đề nghị không thực tế.

Trên thực tế, ngay từ năm 1949, tại Nghị viện Anh, các nghị viên Cộng sản và Công đảng đã tranh luận có nên mời Liên Xô tham gia liên minh quân sự mới hay không. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Liên Xô Vishinsky đã gửi đến London lời đề nghị, thảo luận ý định của Liên Xô xin gia nhập Liên minh phòng thủ Tây Âu - Tổ chức tiền thân của NATO, nhưng Phương Tây đã từ chối. Tất nhiên, chính phủ Liên Xô không ngây thơ đến mức tin rằng đất nước của họ sẽ được chào đón với vòng tay rộng mở.

NATO không được xác định chính thức và công khai như một liên minh quân sự chống lại Liên Xô, mặc dù nó được thành lập chính xác để chống Liên Xô. Hiện vẫn còn có rất nhiều phỏng đoán xung quanh câu chuyện này - một số người tin rằng việc Liên Xô đề nghị gia nhập NATO là một động thái ngoại giao có tính toán, nhằm gây xúc phạm công khai (Mỹ) nếu yêu cầu này bị từ chối; những người khác tin rằng các nhà lãnh đạo Liên Xô ngấm ngầm thúc đẩy gia nhập NATO để làm suy yếu sức mạnh của liên minh từ bên trong.

Phản ứng đối với yêu cầu của Liên Xô là khá dễ đoán, NATO đã góp phần vào thực tế là để đáp trả lại quyết định của liên minh này, Liên Xô buộc phải thành lập khối Warszawa (Warsaw Pact, 14/5/1955, gồm Albania, Ba Lan, Romania, Hungary, Đông Đức, Tiệp Khắc và Bulgaria) - khối mà cho đến khi Liên Xô sụp đổ - là một đối trọng, một sự răn đe nghiêm túc đối với NATO.

Đầu năm 1983, Liên Xô muốn “mềm hóa” chính sách đối ngoại và vấn đề gia nhập NATO lại được xới lại. Đích thân Tổng bí thư Yuri Andropov đã nêu vấn đề này ra tại cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhưng sự “xích lại” này đã không đạt được mong muốn bởi sự kiện ngày 1/9/1983 - chiếc máy bay Boeing -747 số hiệu 55719 của Hãng Hàng không Hàn Quốc theo lộ trình Anchorage-Seoul bị máy bay tiêm kích Liên Xô SU-15TM bắn rơi khi xâm phạm không phận Liên Xô.

Mãi sau này, người ta mới tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy đó là một kịch bản của Mỹ. Điều kỳ lạ là chỉ vài tiếng sau khi xảy ra vụ việc, truyền thông Mỹ ngay lập tức ồ ạt vào cuộc, tố cáo Liên Xô vô nhân đạo đã “bắn rơi máy bay dân dụng chở gần 300 hành khách”. Tổng thống Mỹ Reagan lên tiếng gọi Liên Xô là “đế chế của quỷ”, đồng thời kêu gọi một cuộc “thập tự chinh” chống lại Liên Xô.

Cuộc chiến tranh Lạnh đã lên đến đỉnh điểm; nỗ lực lần thứ hai của Liên Xô “đột nhập” vào khối NATO có thể quên đi nhanh chóng, bởi thời điểm đó thế giới đã nằm trên bờ vực của chiến tranh hạt nhân. Ngày 2/11/1983, Mỹ và NATO tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn mang mật danh “Able Archer 83” với tình huống giả định là một cuộc tấn công hạt nhân. Quân đội Liên Xô khi đó được đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng tham chiến với vũ khí nguyên tử.

Hiện tại

Liên Xô là nước duy nhất của liên minh chống Hitler đứng ngoài NATO. Ở Liên Xô mọi người không coi NATO là một liên minh phòng thủ, mà trái lại, là liên minh hiếu chiến. Cố gắng ngăn ngừa đà bành trướng của NATO, bằng phương pháp kinh tế và ngoại giao, Moscow đã thuyết phục được Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan không tham gia NATO. Năm 1955, Cộng hòa liên bang Đức trở thành một phần của NATO, và điều này cuối cùng đã xua đi sự mơ hồ về mục tiêu của liên minh quân sự này. Không những áp sát biên giới Đông Đức, NATO còn vi phạm các thỏa thuận trước đó về không tái vũ trang cho Tây Đức.

Sau Chiến tranh Lạnh, từ năm 1999-2017, NATO tiếp nhận thêm 13 quốc gia. Hiện tại, liên minh này có 29 nước thành viên, Bắc Macedonia đang xếp hàng chờ gia nhập; cả Ukraine và Gruzia đều nuôi hy vọng sớm hay muộn sẽ là thành viên. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga và NATO đã có một số bước tiến về phía nhau. Nước Nga hiện đại đã tham gia Hội đồng Hợp tác Bắc Đại Tây Dương và tham gia một số chương trình chung, trong đó có liên minh chống khủng bố.

Tuy nhiên, khi NATO mở rộng về phía đông, các mối quan hệ trở nên phức tạp hơn, và kể từ năm 2014 hai bên rơi vào khủng hoảng. Hiện NATO là một trong những cơ cấu quân sự lớn nhất thế giới. Và mặc dù Liên Xô tan rã, Tổ chức Hiệp ước Warsaw đã giải thể nhưng khối này vẫn tiếp tục mở rộng. Tính cần thiết của NATO trong thời hậu Xô viết lý giải bằng nhiệm vụ đạt tới dân chủ và ổn định ở Trung và Đông Âu.

Năm 1999, khối này oanh tạc Nam Tư; chiến dịch quân sự kéo dài 78 ngày đêm làm nhiều thường dân thiệt mạng, cơ sở hạ tầng bị hủy hoại và Liên bang Nam Tư đã không còn tồn tại như một nhà nước. NATO đã bành trướng sát gần biên giới phía Tây của Nga. Những bàn đạp cho việc triển khai đã được tạo ra ở các nước Baltic, nhóm quân tấn công mạnh tập trung ở Ba Lan, hệ thống lá chắn chống thủ tên lửa được bố trí ở Romania. Ai là đối tượng tiếp theo, thời gian sẽ trả lời./.