Thay đổi quy tắc bất di bất dịch suốt nhiều thập kỷ

Trong cương lĩnh tranh cử năm nay, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản đã đưa ra cam kết chưa từng có về việc tăng chi tiêu quốc phòng, nhằm đẩy mạnh việc mua sắm tên lửa, máy bay chiến đấu tàng hình, máy bay không người lái cùng nhiều loại vũ khí khác, trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này và Trung Quốc liên quan đến quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông đang gia tăng.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) lần đầu tiên đặt mục tiêu chi 2% GDP – khoảng 100 tỷ USD – hoặc nhiều hơn, cho quốc phòng trong cương lĩnh chính sách công bố trước cuộc bầu cử quốc gia trong tháng 10 này.

Các chuyên gia không kỳ vọng tân Thủ tướng Fumio Kishida sẽ sớm tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng khi nợ công tăng cao và nền kinh tế Nhật Bản đang lao đao vì dịch bệnh Covid-19. Nhưng cam kết nói trên của LDP là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản, theo thời gian, có thể từ bỏ nguyên tắc chi không quá 1% GDP cho quốc phòng mà nước này áp dụng từ lâu. Trong nhiều thập kỷ qua, nguyên tắc đó đã làm giảm bớt những lo ngại cả ở trong nước lẫn ngoài nước về việc Nhật Bản có thể quay trở lại chính sách quân phiệt từng khiến nước này bị cuốn vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2.

Yoichiro Sato, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Châu Á - Thái Bình Dương Ritsumeikan cho rằng, các lãnh đạo bảo thủ của LDP muốn đảng này từ bỏ quy định giới hạn chi tiêu quốc phòng: “Họ đang thiết lập hướng đi mới, đó là những gì phe bảo thủ muốn làm”, ông Yoichiro Sato nói.

Cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP của Nhật Bản cũng phù hợp với cam kết của các nước thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc đại Tây dương  (NATO) khi mà Mỹ đang hối thúc các đồng minh chủ chốt chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.

Tuyên bố của LDP được đưa ra trong bối cảnh người dân Nhật Bản ngày càng lo ngại về những động thái quân sự quyết liệt của Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt là xung quanh vùng lãnh thổ Đài Loan.

Theo kết quả cuộc khảo sát do nhật báo Nikkei thực hiện hồi cuối năm 2020, với sự tham gia của 1.696 người, 86% số người được hỏi nói rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với Nhật Bản và hơn 82% bày tỏ lo ngại về Triều Tiên – quốc gia đượccho là sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nhà phân tích Robert Ward thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London (Anh) nhận định: “Với việc đưa những lo ngại đó vào cương lĩnh tranh cử, LDP đã khẳng định sự cần thiết phải vận động sự ủng hộ của công chúng đối với những thay đổi bắt buộc về chính sách quốc phòng”.

Tập trung vào tranh chấp ở biển Hoa Đông

Chiến lược quân sự của Nhật Bản từ lâu đã tập trung vào việc bảo vệ lãnh thổ dọc theo rìa biển Hoa Đông  - nơi Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Với kế hoạch chi thêm 50 tỷ USD mỗi năm, Nhật Bản có thể mua thêm nhiều khí tài quân sự của Mỹ, chẳng hạn như chiến đấu cơ tàng hình F-35, máy bay cánh quạt lật V-22 Osprey, máy bay không người lái giám sát và bổ sung nhiều khí tài nội địa như tàu đổ bộ, tàu chiến, tàu sân bay, tàu ngầm, vệ tinh và các thiết bị liên lạc để phòng bị trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột kéo dài.  

Yoji Koda, cựu Tư lệnh Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản (JMSDF) cho biết: “Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được đào tạo và trang bị rất tốt, nhưng vẫn cần phải nâng cao sự bền bỉ và khả năng tự phục hồi”.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn có thêm kinh phí để mua một máy bay chiến đấu tàng hình do nước này tự sản xuất và những loại tên lửa có thể tấn công tàu hay căn cứ trên đất liền của đối phương ở khoảng cách hơn 1.000km. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang tăng cường năng lực tác chiến điện tử và khả năng đối phó với chiến tranh mạng hoặc chiến tranh không gian trong tương lai.

Ông Thomas Reich – giám đốc của tập đoàn sản xuất vũ khí BAE Systems PLC (Anh) cho biết: “Nhật Bản muốn sở hữu những năng lực rất tinh vi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Những gì được đưa ra trong ngân sách quốc phòng và các kế hoạch sẽ được thực hiện ra sao là điều thu hút chúng tôi”. Được biết, BAE Systems PLC là một trong những đối tác tham gia chương trình sản xuất chiến đấu cơ F-35 của tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ).

Tiếp nối chính sách của cựu Thủ tướng Shinzo Abe

Việc tân Thủ tướng Kishida ủng hộ cam kết tăng chi tiêu quốc phòng của các lãnh đạo phe bảo thủ đã khiến giới quan sát ngạc nhiên. Nhưng nhiều người cho rằng ông đang thực hiện chính sách mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe từng theo đuổi. Chính sách này đã nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp bảo thủ - những người hỗ trợ ông Kishida giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch LDP hồi tháng 9 vừa qua.

Bằng cách thực hiện những bước đi nhỏ, chẳng hạn như ban hành luật an ninh cho phép binh sỹ Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài, chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu trang thiết bị quân sự và sửa đổi Hiến pháp để cho phép quân đội có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ của đối phương, ông Abe đã tạo ra sự thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng vào thời điểm ông nắm quyền.

Hiện tại, cam kết chi tiêu quốc phòng của LDP không cho biết khoản kinh phí bổ sung sẽ được phân bổ như thế nào và cũng không nêu rõ khi nào đạt được mục tiêu 2% GDP. Chuck Jones – cựu quan chức trong ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản lưu ý: “Câu hỏi thực sự sẽ là liệu Nhật Bản có thể sử dụng khoản kinh phí bổ sung 50 tỷ USD để cải thiện đáng kể nền quốc phòng hay không. Một mối lo ngại khác là khoản tiền này có thể bị sử dụng lãng phí cho những chương trình không mang tính khả thi hoặc không phù hợp”.

Tetsuo Kotani – nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện quan hệ Quốc tế Nhât Bản cho biết: “Đã có sự phản đối ngay trong đảng LDP. Một cuộc bầu cử sắp diễn ra và chúng ta vẫn cần phải xem xét liệu công chúng có ủng hộ đề xuất của đảng này hay không”./.