Phát biểu tại Hội nghị về chính sách hạt nhân quốc tế Carnegie 2019 ngày 11/3, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết: “Chúng tôi không muốn nhìn thấy tình cảnh tương tự như những gì đã xảy ra với Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran vì sự thay đổi chính quyền ở Mỹ”.
Nga không muốn Hiệp ước START mới có số phận giống Thỏa thuận hạt nhân Iran, vì sự thay đổi chính quyền ở Mỹ. Ảnh: AFP |
Ông cũng nhắc lại rằng, chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ đã ký JCPOA nhưng chính quyền đương nhiệm lại quyết định rút khỏi thỏa thuận.
Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quyết định Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Các bên còn lại của thỏa thuận này – Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Đức và Iran – vẫn cam kết với thỏa thuận và đã bắt đầu làm việc để tạo các cơ chế mới nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Khi được hỏi liệu Nga có sẵn sàng gia hạn Hiệp ước START mới mà không có các cuộc đối thoại sơ bộ với Mỹ hay không, ông Antonov nói rằng, những cuộc thảo luận như vậy là bắt buộc.
“Đối với chúng tôi, rõ ràng trước tiên là phải có có các cuộc đối thoại”. Ông nói thêm rằng, Nga cũng phải tìm các giải pháp trước khi đặt bút ký vào bất cứ văn bản nào.
Hiệp ước START mới giữa Nga và Mỹ có hiệu lực từ năm 2011, có thời hạn 10 năm và có thể được gia hạn thêm 5 năm. Hiệp ước hạn chế số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa, các tên lửa phóng từ tàu ngầm, các máy bay ném bom có trang bị vũ khí hạt nhân và các đầu đạn hạt nhân của mỗi bên.
Theo đại sứ Antonov, Nga và Mỹ cũng cần có các cuộc đàm phán chuyên sâu để đạt được thỏa thuận về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ngày 2/2, Mỹ chính thức đình chỉ thực hiện các nghĩa vụ trong Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Nga cũng đã có động thái tương tự sau sắc lệnh của Tổng thống Putin mới đây.
Tổng thống Putin đã yêu cầu giới chức nước này không khởi xướng các cuộc đàm phán mới với Mỹ về INF. Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh tất cả các đề xuất trước đây của Nga vẫn được để ngỏ.
Hiệp ước INF được ký giữa Liên Xô (nay là Nga) và Mỹ năm 1987 và có hiệu lực từ năm 1988. Hiệp ước cấm 2 nước phát triển và triển khai các tên lửa đạn đạo có tầm từ 500-5.500km./.
Nga ra sắc lệnh đình chỉ INF cho đến khi Mỹ ngừng vi phạm