TheoRBTH, điều này là nhằm đảm bảo rằng, hệ thống phòng thủ tối tân được mệnh danh là “vệ binh bầu trời” này được vận hành bởi những bàn tay đáng tin cậy nhất.
Các đơn vị phòng không của Nga thường được trang bị các hệ thống tên lửa cực mạnh để bảo vệ bầu trời tổ quốc. Các binh sĩ Nga sẽ được đào tạo trong suốt 5 năm để có thể sử dụng thành thạo các hệ thống tên lửa này. Tuy nhiên, chỉ có rất ít người vinh dự được lựa chọn để điều khiển các hệ thống tên lửa tối tân S-400.
Lên phương án kỹ lưỡng
Quá trình đào tạo các binh sĩ này đối phó với khả năng bị tên lửa địch tấn công thường diễn ra theo 2 bước liên tiếp. Trong đó, bước đầu tiên là xem xét trên lý thuyết về các kế hạch tấn công của địch và tìm cách chuẩn bị đối phó.
“Việc tính toán các phương án đối phó sẽ được trao đổi cả bằng miệng và trên giấy tờ. Mục tiêu của việc này là nhằm khai thác một cách tối đa tiềm năng của hệ thống này cũng như hỏa lực của các tên lửa trong hệ thống để có thể bắn hạ được nhiều mục tiêu nhất có thể”, ông Dmitri Safonov- một cựu phân tích quân sự tại tờ Izvestia cho biết.
Phần lớn thời gian đào tạo trong các học viện quân sự là dành cho giai đoạn quan trọng này và các sĩ quan trong tương lai sẽ bị “chỉnh đốn đến nơi đến chốn” nếu họ “lơ mơ” bất kỳ bước chuẩn bị nào, dù là nhỏ nhất.
“Trong giai đoạn này, các binh sĩ được huấn luyện sẽ phải viết ra mọi thông tin mà họ trao đổi với nhau cũng như những hành động mà họ chuẩn bị làm. Tình huống chiến đấu giả định sẽ càng trở nên phức tạp hơn theo thời gian khi các binh sĩ được yêu cầu phải đối mặt với khả năng bị đối phương tấn công từ nhiều phía hay hệ thống phòng thủ tên lửa của họ gặp trục trặc.
Điều này buộc các nhóm được huấn luyện phải chuẩn bị cho mọi phương án dù là khắc nghiệt nhất để có thể giành được ưu thế trong trường hợp giao tranh thực xảy ra. Nói cách khác, các binh sĩ sẽ phải làm quen với mọi tình huống tác chiến gần với đời thực nhất có thể”, ông Dmitri Safonov nói.
Cận cảnh hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 “vệ binh bầu trời Nga”
Tác chiến như thực chiến
Ở giai đoạn thứ 2, các binh sĩ sẽ được đào tạo để tối ưu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa ở trường bắn với các mục tiêu như trong các cuộc giao tranh thực sự. Điểm khác biệt duy nhất trong các bài bắn tập và bắn thật là trong các bài bắn tập, các binh sĩ sẽ sử dụng tên lửa không có đầu đạn.
“Trong quá trình bắn tập, một số chiến đấu cơ xuất hiện gần các trường bắn với mục tiêu phải lọt được qua hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân của Nga. Tất nhiên, những chiếc máy bay này sẽ bị “bắn hạ” trên máy tính.
Sau quá trình diễn tập, các máy bay này sẽ phải nhanh chóng rời khỏi các vị trí bị hệ thống phòng thủ tên lửa khóa mục tiêu để tránh khả năng bị bắn hạ thực sự”, ông Safonov giải thích.
Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều mục tiêu và các máy bay không người lái đột ngột xuất hiện và các binh sĩ điều hành S-400 phải theo dõi và bắn hạ được tất cả các mục tiêu đó.
“Toàn bộ quá trình này diễn ra trong 3 bước: Đầu tiên, radar sẽ phát hiện và theo dõi mục tiêu. Sau đó, các binh sĩ sẽ tính toán góc bay của mục tiêu và hướng phóng tên lửa để tiêu diệt mục tiêu. Cuối cùng, tất cả các tính toán này sẽ được áp dụng vào đợt bắn tập”, ông Safonov nói.
Rồng lửa S-400- “hàng nóng” quân sự ăn khách nhất của Nga
Hệ thống phòng không “tầng tầng lớp lớp”
Hệ thống phòng không của Nga dựa chủ yếu vào 2 hệ thống tên lửa tối tân là S-300 và S-400. Cả hai hệ thống này có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 250-400km và bắn hạ chúng ở khoảng cách từ 150-250km. S-300 và S-400 có thể bắn hạ cả những mục tiêu bay siêu nhanh lên đến 2,5km/giây. Ngoài ra, 300 và S-400 có thể phát hiện cùng lúc 36 mục tiêu và phóng tên lửa tiêu diệt tối đa 12 mục tiêu.
Dù thông tin chi tiết về công nghệ được áp dụng trên S-300 và S-400 cũng như số binh sĩ đang vận hành 2 hệ thống này cho đến nay vẫn được giữ kín, các chuyên gia ước tính, có hàng trăm hệ thống phòng không cùng radar giám sát được thiết lập trên khắp nước Nga.
“Hệ thống phòng không Pantsir-S1 có nhiệm vụ bọc lót cho S-300 và S-4000. Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn đảm nhiệm việc diệt gọn mọi tên lửa lọt được qua S-300 và S-400”, Giáo sư về Khoa học Quân sự Vadim Kozyulin nói. Theo ông Vadim Kozyulin, tầm bắn của Pantsir-S1 là 10-15km.
“Ngoài lớp phòng thủ tên lửa tầm xa, trung và ngắn, bầu trời Nga còn được bảo vệ bởi các chiến đấu cơ đánh chặn như Su-30MS, Su-35, MiG-29 và MiG-31. Các căn cứ không quân nơi những chiếc máy bay này đồn trú thường nằm gần các hệ thống phòng thủ tên lửa”, ông Vadim Kozyulin nói thêm./.
Sự lợi hại của S-400 Triumph mà Nga vừa đưa tới Crimea