TheoSputnik News, nhận định trên được nhà phân tích chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Gunes đưa ra trong cuộc phỏng vấn ngày 15/4. Ông Gunes nhấn mạnh, hệ thống S-300 sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ của Iran.

s_300_iyvj.jpg
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga. Ảnh Sputnik

“Tình hình căng thẳng liên quan đến việc Nga bán hệ thống phòng thủ S-300 cho Iran đến từ những lời lẽ khiêu khích và đe dọa của Israel và Saudi Arabia. Tuy nhiên, S-300 là hệ thống phòng thủ chứ không phải hệ thống tấn công nên không thể đe dọa bất kỳ quốc gia nào. S-300 được thiết kế để bảo vệ không phận của một quốc gia trước nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa”, ông Gunes nói.

Theo ông Gunes, việc Nga bán S-300 cho Iran khiến Israel và Saudi Arabia “giật mình” bởi những nước này từng nhiều lần đe dọa tấn công tên lửa vào Iran.

“Israel và Saudi Arabia đã không dưới một lần tuyên bố về khả năng phóng tên lửa tầm trung tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, lời đe dọa đó giờ đã trở nên lỗi thời vì Iran đã sở hữu S-300”, ông Gunes nói.

Ông Gunes cũng vạch ra sự “bất nhất” trong mối quan hệ của Washington với các đồng minh của mình trong khu vực như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar trong vòng 18 tháng qua.

Theo ông Gunes, những quốc gia nói trên khó có thể chờ đợi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ của mình vào cuối tháng 11 rồi mới tăng cường các hoạt động chống Iran. Ông Gunes dự đoán, trong vài tháng tới, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia sẽ có nhiều hành động làm leo thang căng thẳng.

Nhà phân tích chính trị này cho rằng, nếu có xảy ra xung đột với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia nhiều khả năng sẽ cầu cạnh Israel vận động Mỹ ủng hộ hai quốc gia này.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 có khả năng bắn hạ chiến đấu cơ đầu tiên đã được Nga bàn giao cho Iran vào ngày 11/4.

Nga và Iran đã ký hợp đồng trị giá 900 triệu USD liên quan đến hệ thống S-300 từ năm 2007 bất chấp sự phản đối của Mỹ và Israel. Thỏa thuận này sau đó bị đình lại sau lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran năm 2010.

Đến tháng 4/2015, Nga và Iran đã nối lại đàm phán về việc chuyển giao hệ thống S-300 sau khi Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran.

Tại thời điểm đó, Israel đã chỉ trích quyết định này của Nga và cho rằng, điều này sẽ chỉ làm khu vực thêm bất ổn./.