Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov mới đây cho biết nước này sẽ không đưa vào sản xuất hàng loạt tiêm kích tàng hình Su-57, dù nó đã chứng minh được hiệu quả hoạt động và tác chiến trên chiến trường Syria, theo Diplomat.

su_57_clhr.jpg
Một tiêm kích Su-57 được Nga chế tạo để thử nghiệm và đánh giá. Ảnh: Twitter

"Su-57 được coi là một trong những máy bay tốt nhất từng được sản xuất trên thế giới. Vậy nên việc tăng tốc để sản xuất hàng loạt tiêm kích thế hệ 5 này là không ý nghĩa", Borisov giải thích cho quyết định này của quân đội Nga.

Tuy nhiên, Justin Bronk, chuyên gia hàng không quân sự tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nói với Business Insider rằng lý do mà Borisov đưa ra để giải thích cho việc không sản xuất hàng loạt Su-57 chỉ là "sự lạc quan vô lý".

Theo Bronk, tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Nga có thể được giải thích là vì Su-57 tốt hơn mọi đối thủ phương Tây, kể cả F-35, nên Nga không cần sở hữu quá nhiều loại máy bay này. Ông cho rằng cách giải thích này rất thiếu thuyết phục và chỉ là sự thừa nhận rằng Su-57 không thể đọ được với đối thủ F-35 của Mỹ.

Su-57 được thiết kế để cạnh tranh với F-35 và F-22 Mỹ, từng được thử nghiệm thực tế trên chiến trường Syria, nhưng giai đoạn thử nghiệm này chỉ kéo dài vài ngày, trong đó Su-57 không tham chiến và không phải đối mặt với bất cứ mối đe dọa nào từ tiêm kích tàng hình đối phương.

Bronk cho biết Su-57 là dự án liên kết giữa Nga và Ấn Độ, nhưng ngay từ đầu hai bên đã bất đồng trong việc phân chia các giai đoạn sản xuất và công nghệ. Sau 11 năm tranh cãi, Ấn Độ rút khỏi dự án, buộc Nga phải tự mình phát triển Su-57 trong điều kiện ngân sách quốc phòng eo hẹp do kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Ấn Độ từng có ý định mua Su-57, nhưng gần đây lại quay sang thảo luận với Mỹ về khả năng mua F-35, khiến giấc mơ phát triển tiêm kích tàng hình của Nga càng gặp nhiều thách thức.

Một nhà khoa học về công nghệ tàng hình cho biết dù Su-57 sở hữu những công nghệ về radar, tiềm năng mang vũ khí hạt nhân và khả năng cơ động ưu việt, nó vẫn còn những khiếm khuyết rõ ràng. Một báo cáo năm 2016 của IHS Jane's thậm chí còn cho rằng Su-57 chỉ là chiến đấu cơ thế hệ 5 "trên danh nghĩa".

Bronk đánh giá Su-57 là đối thủ đáng gờm với các chiến đấu cơ tốt nhất của Mỹ khi không chiến tầm gần nhờ khả năng cơ động chưa từng thấy, nhưng năng lực tàng hình của nó vẫn là dấu hỏi lớn khiến tiêm kích này khó có thể đối đầu với F-35 hay F-22 từ khoảng cách xa.

Theo ông, Nga có thể đã xem xét rất kỹ dự án Su-57 và nhận ra rằng ngay cả khi được nâng cấp đáng kể, tiêm kích này vẫn khó có thể đáp ứng được kỳ vọng. Với đơn giá 40-45 triệu USD mỗi chiếc, Su-57 rẻ hơn rất nhiều so với F-35, nhưng vẫn là quá đắt so với các tiêm kích thế hệ 4 mà Nga đang sản xuất.

"Nga về thực chất đang thừa nhận thất bại trong nỗ lực chế tạo một tiêm kích thế hệ 5 đúng nghĩa", Bronk nói. Thay vào tiếp tục đổ tiền của cho Su-47, nước này nhiều khả năng sẽ tập trung vào lĩnh vực mình giỏi nhất, đó là nâng cấp sâu những chiến đấu cơ thế hệ 4 trong biên chế. 

Ngân sách quốc phòng Nga đang phải căng mình để trang trải cho các dự án chế tạo xe tăng, tàu ngầm và vũ khí hạt nhân thế hệ mới. Với số tiền phải bỏ ra để mua Su-57, Nga có thể cải tiến đáng kể radar và tên lửa trên các tiêm kích đời cũ với số lượng lớn hơn nhiều.

Với việc bỏ rơi dự án Su-57, Nga nhiều khả năng sẽ bị tụt hậu đáng kể so với các đối thủ, khi Mỹ bắt đầu bán số lượng lớn F-35, trong khi Trung Quốc đã biên chế tiêm kích tàng hình J-20, Bronk nhận định./.