Lập trường phản đối chính sách bao bọc các quốc gia đồng minh của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khiến các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo ngại về một tương lai bất định.

stoltenberg_aspp.jpg
Tổng thư ký NATO Stoltenberg. Ảnh: Time.

Tuy nhiên, mối quan hệ này lại trở nên lạc quan hơn sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg có cuộc thảo luận tích cực với ông Donald Trump về tương lai của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này.

Theo tuyên bố của NATO, ông Stoltenberg đã có cuộc điện đàm tích cực với Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump, thảo luận về cách NATO thích ứng với môi trường an ninh mới, trong đó có việc chống lại mối đe dọa khủng bố.

Tổng thư ký NATO cũng cảm ơn ông Trump đã nêu vấn đề chi tiêu quốc phòng trong chiến dịch tranh cử, vốn là ưu tiên hàng đầu của Tổng thư ký từ khi được bổ nhiệm năm 2014.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng, đã có nhiều tiến triển trong việc chia sẻ gánh nặng một cách công bằng hơn, song còn nhiều việc phải làm.

Trong một cuộc họp báo tại Brussells, Bỉ cùng ngày, ông Stoltenberg cũng bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong khối NATO: “Tôi hoàn toàn tin tưởng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong liên minh và sẽ tiếp tục duy trì cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với an ninh châu Âu. Đó là điều quan trọng đối với châu Âu và cũng rất quan trọng đối với Mỹ”.

Về mối quan hệ giữa Mỹ với NATO, trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu ngày hôm qua, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ Barack Obama đã trấn an các đồng minh rằng ông Donald Trump sẽ duy trì giá trị cốt lõi trong các mối quan hệ chiến lược của Mỹ trên khắp thế giới, trong đó có NATO, ngay khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 năm sau.

“Tôi tin tưởng tổng thống đắc cử sẽ có quan điểm rằng NATO là một cam kết không thể thay đổi và ông ấy sẽ thực hiện hết trách nhiệm của Mỹ trong NATO với vai trò là một thành viên sáng lập đối với an ninh quốc tế. Đây là điều rất quan trọng”.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Donald Trump từng chỉ trích các đồng minh NATO không chi đủ tiền cho quốc phòng, trong khi Mỹ phải trả quá nhiều. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times hồi tháng 7, tỷ phú bất động sản nêu rõ nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của ông, sẽ không nhất thiết phải triển khai viện trợ cho NATO nếu các nước thành viên bị tấn công, mà trước tiên là phải xem xét mức độ đóng góp của những nước thành viên NATO cho liên minh này. Theo ông Trump, Mỹ sẽ chỉ hỗ trợ các đồng minh nếu những nước này đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ đối với Mỹ.

Mặc dù lo ngại về những tuyên bố của ông Trump, nhưng NATO vẫn hoài nghi về khả năng Mỹ sẽ quay lưng với liên minh quân sự này.

Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO, Tướng Petr Pavel, cho rằng không nên coi phát biểu của ông Trump về việc Mỹ có thể từ bỏ những cam kết trong hiệp ước NATO là nghiêm túc.

Theo ông Pavel, điều khoản phòng vệ tập thể của Điều 5 Hiệp ước NATO là rất rõ ràng và NATO có trách nhiệm bảo vệ các quốc gia thành viên vô điều kiện trong trường hợp các nước này bị tấn công. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã có 70 năm lịch sử, khẳng định hiệp ước này có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ cũng như là các đồng minh và mang tính ràng buộc mà không tổng thống Mỹ nào sẽ "dám" thay đổi./.