Các lực lượng của Nga được cho là từng tiến hành các hoạt động tương tự tại căn cứ này ít nhất 1 lần trước đây.

Hình ảnh được công bố cho thấy khói bốc lên từ các vị trí dọc đê chắn sóng xung quanh cảng, từ các vị trí trong đất liền và từ 2 con tàu đang di chuyển trên biển. Ngụy trang bằng khói từng được sử dụng để bảo vệ các hoạt động quân sự trong hàng thập kỷ và mặc dù việc sử dụng phương pháp này ở cảng Tartus không nhất thiết đem lại hiệu quả cao nhưng nó vẫn hữu ích trong việc ngăn chặn một số thiết bị cảm biến hoặc sự chú ý về những điều đang diễn ra ở đây.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch ở Syria năm 2015, cảng biển này của Syria đã tiếp đón nhiều chuyến tàu chở hàng từ Nga. Trong khi đó, các vệ tinh cùng các trinh sát cơ có người lái và không người lái của nước ngoài luôn theo dõi chặt chẽ cảng biển Tartus từ trên cao.

Nhìn chung, Tartus là một căn cứ chiến lược quan trọng của Nga, là cảng biển nước ấm duy nhất của Nga tại Địa Trung Hải và là căn cứ hải quân duy nhất được đặt ở ngoài biên giới nước này. Năm 2017, Tổng thống Putin đã ký hợp đồng thuê cảng biển này trong 49 năm với Tổng thống Syria Bashar Al Assad. Hiện chưa rõ điện Kremlin chi bao nhiêu ngân sách mỗi năm để vận hành và duy trì căn cứ này nhưng một báo cáo năm 2020 cho biết, chi phí hàng năm là khoảng 41,5 triệu USD.

Tùy thuộc vào loại khói được sử dụng mà nó có thể mang lại hiệu quả trong việc che giấu các khu vực trên cảng khỏi các camera và một số thiết bị hồng ngoại, trong đó có đầu dò ảnh tầm nhiệt được sử dụng trên các loại đạn dẫn đường chính xác cũng như một số tên lửa được sử dụng để tấn công các mục tiêu ven biển. Tuy nhiên, nó không giúp che giấu các hoạt động trên cảng khỏi các loại radar hình ảnh và các camera đa quang phổ, được gắn trên những hệ thống như RQ-4 Global Hawk không người lái, vốn được thiết kế để thâm nhập qua khói, sương mù, bụi và các vật cản khác. 

Khói có thể được sử dụng để làm nhiễu thiết bị cảm ứng của tên lửa và hạn chế khả năng trinh sát của các thiết bị. Đây là một biện pháp không cần sử dụng công nghệ cao nhưng lại đối phó hiệu quả với những mối đe dọa công nghệ cao.

Dù là điều gì đang xảy ra ở Tartus thì những gì diễn ra mới đây càng củng cố thực tế rằng, căn cứ này vẫn là cơ sở thiết yếu cho sự hiện diện của quân đội Nga ở Syria, cũng như cho các mục tiêu đầy tham vọng của Moscow tại đất nước này và rộng hơn là đông Địa Trung Hải./.