Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố, chiều 17/5/2012, Dương Chí Dũng (lúc này đang là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam), biết được thông tin sẽ bị cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã thông báo cho em trai là Dương Tự Trọng (khi đó đang làm Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng). Và từ thời điểm này, kế hoạch cuộc “đào tẩu” hết sức tinh vi được Dương Tự Trọng dựng lên.
Thủ đoạn tinh vi
Trong cả quá trình thực hiện kế hoạch của anh trai là Dương Chí Dũng bỏ trốn, Dương Tự Trọng với vai trò là người khởi xướng, chủ mưu đã chỉ đạo trực tiếp và gián tiếp người thân tín theo kế hoạch vạch ra để đưa anh trai trốn sang Campuchia.
Dương Tự Trọng yêu cầu bạn thân là Phạm Minh Tuấn (SN 1961)– nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng đón Dương Chí Dũng ở nhà người quen rồi đưa lên Quảng Ninh lẩn trốn.
Để tránh bị sự phát hiện của cơ quan chức năng, tất cả Trọng giao cho Vũ Tiến Sơn (1966)- nguyên Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thay mặt Trọng liên lạc, chỉ đạo và phân công các đối tượng thực hiện kế hoạch.
Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đặt biệt danh cho Dương Chí Dũng là “Đồng”; Đồng Xuân Phong là “Gió”; và Trần Văn Dũng gọi là “Cạn”.
Không sử dụng điện thoại cũ để liên lạc, các đối tượng sắm mỗi người một điện thoại mới lưu sẵn số, đồng thời liên tục thay đổi sim.
Ngày 20/5/2012, trước khi bắt đầu kế hoạch, điện thoại chính của Hoàng Văn Thắng và Nguyễn Trọng Ánh để lại nhà và sử dụng điện thoại sim rác trong quá trình đón, đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Trong quá trình từ TP HCM sang Campuchia và thất bại trong việc nhập cảnh vào Mỹ, các đối tượng đã liên tục đổi phương tiện nhằm xóa dấu vết của cuộc đào tẩu. Tuy nhiên, đến ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ.
Sử dụng một loạt đối tượng giang hồ
Trong cuộc dàn xếp để anh trai Dương Chí Dũng bỏ trốn, Dương Tự Trọng cũng đã sử dụng các đối tượng giang hồ có máu mặt, đối tượng bị truy nã.
Đáng chú ý có đối tượng Trần Văn Dũng (tên thường gọi là Dũng Bắc Kạn). Đây là đối tượng có tiền án, tiền sự. Dũng Bắc Kạn từng bị TAND tỉnh Bắc Thái (cũ) tuyên phạt 3 năm tù cho hưởng án treo về tội Buôn lậu. Năm 2004, Dũng bị Tòa án nhân dân Tối cao tuyên phạt 5 năm tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Dũng Bắc Kạn là đối tượng giang hồ từng hoạt động dưới trướng Năm Cam, thân thiết với các trùm ma túy ở miền Nam. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Dũng Bắc Kạn là kẻ cầm đầu đám lưu manh chuyên nghiệp chợ Sắt (Hải Phòng), có chỗ đứng ngang ngửa với những cái tên nổi danh ở đất Cảng như Dung Hà.
Ngoài ra, còn có Đồng Xuân Phong, nguyên cán bộ Hải quan TP Hải Phòng bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM truy nã vì liên quan đến một vụ buôn lậu./.
1. Dương Tự Trọng (SN 1961), nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an).
2. Vũ Tiến Sơn (SN 1966), nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Hải Phòng)
3. Hoàng Văn Thắng (SN 1970), nguyên Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường (Công an TP Hải Phòng).
4. Đồng Xuân Phong (SN 1974), nguyên cán bộ Hải quan TP Hải Phòng, đang bỏ trốn, bị truy nã.
5. Trần Văn Dũng (tên thường gọi là Dũng Bắc Kạn, SN 1968), từng bị TAND tỉnh Bắc Thái kết án về tội buôn lậu và tàng trữ trái phép chất ma túy.
6. Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985), nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP. Hải Phòng)
7. Phạm Minh Tuấn (SN 1961), nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng (Hải Phòng) (bạn thân của Dương Tự Trọng).