Về vụ nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi, trú huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) - đang chờ thi hành án tại trại giam ở Quảng Ninh có thai để thoát án tử hình, chia sẻ với phóng viên VOV.VN, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng luật sư Nguyễn Anh – Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, theo các quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự, Điều 58 Luật thi hành án hình sự, Điều 259 Bộ luật tố tụng hình sự quy định Thi hành hình phạt tử hình, đối chiếu với trường hợp của nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ, kể cả trường hợp trong khi mang thai hoặc thai nhi bị chết khi sinh thì, Nguyễn Thị Huệ vẫn được ân giảm từ án tử hình chuyển thành tù chung thân. Quy định này thể hiện sự nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa đối với phụ nữ khi mang thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ |
Tuy nhiên, từ vụ việc của Nguyễn Thị Huệ và nhiều trường hợp trước đó như Nguyễn Thị Oanh (trại giam Công an tỉnh Hòa Bình), Trần Thị Hương (trại tạm giam Chí Hòa), Phạm Thị Vân (Quảng Nam)... dư luận không khỏi bức xúc khi chính sách pháp luật nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước đang bị lợi dụng. Có ý kiến cho rằng nên chăng sửa luật để tội phạm không có điều kiện để lách luật.
Chia sẻ về ý kiến này, trả lời phỏng vấn phóng viên VTC News, luật sư Nguyễn Huy An, Trưởng văn phòng Luật Huy An nhấn mạnh pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam hết sức nhân văn, không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai. Điều này không phải vì bản thân nữ tử tù, mà vì đứa trẻ họ mang trong bụng.
Thông thường, tử tù bị biệt giam, không được tiếp xúc với người ngoài. Tất nhiên, không có quy định nào lại cho phép tử tù được mang thai trong thời gian giam giữ.
Nếu việc quản lý phạm nhân của cơ quan chức năng tốt thì không bao giờ có chuyện nữ tử tù có thể mang thai trong thời gian bị giam giữ. Nếu có nữ tử tù nào mang thai thì trách nhiệm thuộc về cán bộ quản lý trại giam, quản lý phạm nhân.
Luật sư Nguyễn Huy An cũng cho rằng, trước khi có luật, các nhà làm luật đã tính toán tới điều đó và mặc định là nữ tù không thể mang thai trong thời gian bị giam giữ được. Chính vì vậy, theo luật sư, quy định hiện tại của luật về việc không thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai hay nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi là đúng, là nhân văn, không nên sửa luật về vấn đề này.
Nếu có tử tù mang thai thì sai sót là ở người thi hành luật, phải xem xét, xử lý cán bộ trại giam có sai phạm, không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Trên báo Tiền Phong, luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng (Hà Nội) cũng cho rằng, trong vụ việc này, trước mắt, cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh có thể khởi tố vụ án để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ Luật Hình sự để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật đối với cán bộ quản giáo trông coi phạm nhân. Việc để xảy ra tình trạng nữ tử tù mang thai trong trại giam đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tạm giam, một chế định đặc biệt trong pháp luật hình sự. Cán bộ trại giam có thể bị quy tội danh nào phụ thuộc vào việc cơ quan điều tra có làm rõ được hình thức để tử tù thụ thai hay không.
Nguyễn Thị Huệ bị tuyên án tử hình theo Bản án số 315 ngày 19/6/2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao. Ngày 6/1/2016, qua công tác quản lý giam giữ, Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện tử tù có biểu hiện khác thường. Qua kiểm tra y tế xác định, Nguyễn Thị Huệ có thai khoảng 4 đến 5 tháng tuổi.
Quá trình xác minh, cơ quan công an làm rõ, trong thời gian chờ thi hành án, Huệ tìm cách làm quen với phạm nhân nấu bếp Nguyễn Tuấn Hưng (27 tuổi, quê Quảng Ninh), đặt vấn đề trả công Hưng 50 triệu đồng nếu anh ta giúp cô ta mang thai.
Tháng 8/2015, Hưng 2 lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi nilon rồi tìm cách đưa vào hành lang nhà giam nơi Huệ bị giam giữ. Lợi dụng lúc được tháo cùm ra ngoài vệ sinh, nữ tử tù đã lấy tinh trùng bơm vào tử cung./.