Dư luận đang có 2 luồng quan điểm về vụ việc Nguyễn Hoàng Tuấn (ngụ huyện Củ Chi) và Ôn Thành Tân (ngụ quận 9) cùng 17 tuổi, ngồi trên xe máy (đang nổ máy), giật gói đồ ăn trị giá 45.000 đồng từ người bán hàng rồi rồ ga bỏ chạy bị VKSND quận Thủ Đức (TPHCM) truy tố theo khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự về tội cướp giật tài sản với mức hình phạt 3-10 năm tù giam.

cao_trang_thu_duc_qdkm.jpg
Cáo trạng của VKSND quận Thủ Đức truy tố 2 đối tượng Tuấn và Tân

Một luồng ý kiến cho rằng việc truy tố với 2 đối tượng Tuấn và Tân là quá nặng, hình phạt không tương xứng với hành vi. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng hành vi của 2 đối tượng đã cấu thành tội cướp giật.

Trao đổi quan điểm về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS thành phố Hà Nội) nhấn mạnh, cáo trạng của Viện KSND quận Thủ Đức truy tố 2 đối tượng Tuấn và Tân là có cơ sở. Việc áp dụng điểm d khoản 2 của Điều 136 Bộ luật Hình sự để truy tố Tân và Tuấn ở khung hình phạt 3-10 năm tù với tình tiết "dùng thủ đoạn nguy hiểm" cướp giật tài sản là đúng như hướng dẫn tại điểm 5.1 Phần 1 của Thông tư liên tịch số 02/2001 giữa TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Công an và Bộ Tư pháp.

Theo đó, "Dùng thủ đoạn nguy hiểm" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản; cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy...

Tuy nhiên, diễn biến phiên tòa có thể khác với lời khai cũng như buộc tội của cáo trạng. Hội đồng xét xử sẽ căn cứ kết quả phiên tòa để có phán quyết phù hợp.

Về luồng ý kiến cho rằng cả Tuấn và Tân tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng hành vi không nguy hiểm nên không phải là tội phạm, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn LS thành phố Hà Nội) khẳng định hành vi của 2 đối tượng đã cấu thành tội phạm. Nếu nói hành vi của 2 đối tượng không nguy hiểm là không đúng. Ngày hôm nay 2 đối tượng cướp bánh mì, đồ ăn nhưng ngày mai có thể là đồng hồ, điện thoại, những đồ vật có giá trị hơn. Hành vi của 2 đối tượng cần được xử lý, tuy nhiên trong quá trình xét xử, tòa án cần cân nhắc, xem xét trên mọi phương diện.

Cùng quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng, tòa án cần cân nhắc để xem xét động cơ, nguyên nhân, điều kiện phạm tội của bị cáo để lượng hình, để tuyên bản án công tâm, phù hợp./.

Tình tiết "dùng thủ đoạn nguy hiểm" quy định tại Thông tư liên tịch của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp ngày 25/12/2001 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự năm 1999

5.3. "Dùng thủ đoạn nguy hiểm" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản; cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy... Cần chú ý là trong trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm để cướp giật tài sản mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì phải áp dụng cả hai tình tiết định khung hình phạt quy định tại các điểm d và h khoản 2 Điều 136 BLHS./.