Mới đây, đêm 16/9, một nam sinh viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh bị một đối tượng tạt axit gây bỏng 15%. Vụ việc xảy ra khi nam sinh viên vừa nhập học được 1 tuần. Trước đêm xảy ra vụ việc, nam sinh viên này liên tục bị nhắn tin đe dọa trên Facebook và điện thoại yêu cầu không được quan hệ, liên lạc với một cô gái mà nam sinh viên này quen khi xuống Hà Nội ôn thi vào trường Sân khấu - Điện ảnh.
Sinh viên Lê T.T - một nạn nhân của một vụ tạt axit |
Cách đó không lâu, tại Hải Phòng, ông T.X.T và bạn là bà N.T.B.P cũng bị hắt nguyên một ca axit khi đang ngồi trên ô tô, hậu quả ông T bị bỏng 40% có nguy cơ hỏng mắt do bị tạt trực diện và bà P bị bỏng 15%. Lực lượng công an đặt ra nhiều giả thiết khiến ông T bị “đối thủ” tổ chức tạt axit, trong đó không loại trừ do nguyên nhân tình ái hoặc mâu thuẫn trong làm ăn.
Thời gian gần đây, người dân thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ vô cùng hoang mang sợ hãi, hạn chế đi ra ngoài đường vào buổi tối. Nguyên nhân do trên địa bàn xuất hiện một kẻ lạ mặt thường xuyên rình người đi trên những đoạn đường vắng vào lúc nhá nhem tối, phun axít vào người nạn nhân rồi bỏ chạy. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và các bé gái. Chính quyền địa phương phối hợp với Công an huyện Lâm Thao và các đơn vị nghiệp vụ đã tiến hành xác minh thông tin và truy tìm dấu vết của đối tượng.
Đây chỉ là một vài vụ việc xảy ra thời gian gần đây trong số rất nhiều vụ việc kẻ phạm tội dùng axit làm “hung khí” gây án để giải quyết các mâu thuẫn tình cảm, công việc.
Việc dùng axit để tấn công hủy hoại diện mạo và sức khỏe của người khác để lại những di chứng vô cùng nặng nề cho nạn nhân cả về thể chất và tinh thần, thậm chí một vài trường hợp còn dẫn đến tử vong. Vì những hậu quả đó, dư luận xã hội lên án gay gắt và đòi hỏi trừng trị tội phạm với hình phạt thật nặng, coi đó là hành vi giết người.
Tạt axit, kẻ thủ ác không định tước đoạt tính mạng nạn nhân
Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, trên thực tế các quy định pháp luật được xây dựng trên cơ sở khoa học pháp lý với các logic về cấu thành tội phạm và không phải lúc nào cũng thỏa mãn ý chí của những người theo dõi các vụ án. Như vụ án Lê Văn Luyện, dư luận đòi hỏi những kẻ tội phạm như Luyện phải chịu án tử hình cho dù khi phạm tội y vẫn chưa thành niên.
Theo Luật sư Tạ Quốc Long (Công ty Luật Đức Bảo), khi xử lý tội phạm dùng axit cũng vậy, phải xem xét đến các mặt chủ thể - khách thể, mặt chủ quan - khách quan hay động cơ và mục đích phạm tội của tội phạm để xác định đó là hành vi: cố ý gây thương tích hay giết người. Tùy theo cấu thành tội phạm để xác định, bởi nói chung, axit hay súng, dao… đều là các hung khí nguy hiểm khi tội phạm sử dụng chúng gây thương tổn cho người khác.
Luật sư Hoàng Văn Dũng (Văn phòng Luật sư Bross và cộng sự) |
Theo Luật sư Hoàng Văn Dũng (Văn phòng Luật sư Bross và cộng sự), có nhiều lý do khiến tòa không xử lý hành vi tạt axit người khác là tội giết người. Thực tiễn xét xử cho thấy, chưa có vụ án nào kết án người phạm tội bởi hành vi này vào tội giết người (Điều 93 Bộ luật Hình sự) mà chỉ xử lý ở tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (theo Điều 104 Bộ luật Hình sự).
Luật sư Hoàng Văn Dũng phân tích, dưới góc độ quy phạm pháp luật, Bộ luật Hình sự tuy không định nghĩa thế nào là hành vi giết người nhưng khoa học luật hình sự đều thống nhất rằng, đó là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Nói cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác, tức là về ý chí, kẻ thủ ác mong muốn người bị tấn công chết, và họ dùng công cụ, phương tiện mà họ tin rằng sẽ dẫn đến cái chết của nạn nhân.
Với hành vi tạt axit, về ý chí, kẻ thủ ác chỉ mong muốn gây thương tích, cố tật cho nạn nhân mà không muốn tước đoạt tính mạng của họ; về công cụ, phương tiện phạm tội thì đã rõ, đó là axit – một loại hóa chất gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Về mặt chủ quan của tội phạm, thông thường kẻ thủ ác mong muốn nhất trong các tình huống này là hủy hoại nhan sắc, thẩm mỹ phía bên ngoài cơ thể nạn nhân, còn nếu muốn giết nạn nhân, chắc hẳn kẻ thủ ác sẽ chọn hung khí khác, với thủ đoạn khác. Nói như vậy không có nghĩa là không xảy ra tình huống nạn nhân bị chết do hành vi tạt axit, nhưng cũng như hành vi cố ý gây thương tích, hậu quả chết người đôi khi vẫn xảy ra nhưng ngoài ý muốn của kẻ thực hiện hành vi tội phạm.
Như vậy, có thể nói, thực tế áp dụng pháp luật phần lớn căn cứ vào mặt chủ quan của tội phạm để xác định hành vi tạt axit chỉ cấu thành tội cố ý gây thương tích áp dụng chế tài của tội này.
Cũng theo Luật sư Hoàng Văn Dũng, có ý kiến cho rằng, cần căn cứ vào đặc tính của công cụ phạm tội như chủng loại axit, mức độ đậm đặc... và vị trí hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân khi kẻ thủ ác tấn công (tạt) để quy kết vào hành vi giết người bởi hành vi giết người tự thân là hành vi đặc biệt nguy hiểm nên tội danh này được nhà làm luật xây dựng với cấu thành hình thức, tức là chỉ cần có hành vi và mục đích giết người, còn hậu quả (chết người) xảy ra hay không chỉ có ý nghĩa lượng hình (áp dụng hình phạt nặng hay nhẹ). Tuy vậy, mấu chốt ở đây vẫn là sự khác biệt về ý chí của người phạm tội, rõ ràng họ không mong muốn giết chết nạn nhân mà chỉ muốn gây thương tích, tổn hại sức khỏe thì không thể kết tội giết người được.
Quy định hành vi tạt axit người khác là tội giết người?
Theo Luật sư Tạ Quốc Long, xâm phạm tính mạng sức khỏe người khác là đáng lên án, hành vi dùng axit tấn công người khác càng cần phải lên án. Nên chăng các nhà làm luật coi việc dùng axit là hành động man rợ là một tình tiết tăng nặng trong điều luật về tội Cố ý gây thương tích nhằm trừng phạt nghiêm minh những kẻ phạm tội.
Cũng ủng hộ chủ trương xử lý nghiêm minh hành vi tạt axit gây thương tích, thậm chí làm chết người theo hướng tăng nặng hình phạt, tuy nhiên, theo Luật sư Hoàng Văn Dũng, không nên quy định hành vi tạt axit người khác là tội giết người, bởi hai lý do: Thứ nhất, xét dưới góc độ phù hợp và tương xứng trong xây dựng và áp dụng pháp luật, luật pháp công bằng và nghiêm minh không thể hiện ở mức độ nghiêm khắc của hình phạt với tư cách là một biện pháp trừng trị hay thái độ căm thù quá mức của xã hội với cái xấu mà phải thể hiện tính cân xứng giữa hành vi thủ ác với mức độ nghiêm khắc của hình phạt mà người gây ra phải gánh chịu. Vì thế, xử lý hành vi tạt axit không thể cứ quy kết vào tội nặng nhất, áp dụng hình phạt tử hình... trong khi hành vi đó không cấu thành tội phạm đó.
Thứ hai, Bộ luật Hình sự không thể liệt kê chi tiết, tỉ mỉ tất cả các dạng thức của hành vi giết người cũng như cố ý gây thương tích nên chỉ có thể dành việc đó cho các văn bản hướng dẫn luật hay xây dựng các án lệ như một số nước có nền tư pháp tiến bộ vẫn làm.
Theo ông Hoàng Văn Dũng, để xử lý hành vi tạt axit người khác một cách phù hợp, nên có hướng dẫn chi tiết với định lượng tỉ mỉ theo từng mức độ thiệt hại về sức khỏe mà nạn nhân phải hứng chịu, giả sử như thiệt hai bao nhiêu phần trăm sức khỏe thì hình phạt sẽ tương ứng với một thời gian phạt tù là bao nhiêu... để cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng hình phạt được thống nhất, chính xác và đồng bộ trong khi vẫn đảm bảo xử lý nghiêm minh hành vi này./.