Khoản 3 điều 19 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác thân chủ phạm phải các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng, đang được tranh luận sôi nổi trên nghị trường.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Công ty Luật TNHH IPIC - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Xung đột pháp luật

PV: Quyền bảo mật thông tin giữa luật sư và người được bào chữa được quy định cụ thể như thế nào, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Công ước Quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã tham gia ký kết, có nội dung: Các nước thành viên phải có trách nhiệm và tạo mọi điều kiện để luật sư giữ bí mật cho thân chủ.

luat_su_hung_vkgm_xrmw.jpg
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng.
Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư cũng quy định: Luật sư phải giữ bí mật cho thân chủ, chỉ được công bố hoặc cung cấp tài liệu, nội dung vụ việc,... cho tổ chức hoặc cá nhân khác chỉ khi được thân chủ đồng ý bằng văn bản.

Như vậy, nếu chấp thuận như Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS và Bộ Luật tố tụng hình sự (TTHS) thì sẽ có sự xung đột pháp lý với Hiến pháp, Công ước quốc tế và Luật Luật sư,...

PV: Khoản 3 điều 19 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác thân chủ phạm phải các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng. Ông có ý kiến gì về nội dung đang được tranh luận?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Quy định này xung đột với Bộ luật TTHS 2015, cụ thể điểm g khoản 2 Điều 73 quy định người bào chữa “không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình bào chữa” nhưng Điều 19 Dự thảo sửa đổi BLHS quy định người bào chữa phải tố giác tội phạm người do chính mình bào chữa trong khi thực hiện việc bào chữa.

Vì luật sư khi tham gia tố tụng bắt buộc phải thực hiện Điều 73 Bộ luật TTHS 2015 vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua, pháp luật chưa giải quyết được quy định xung đột thì không thể áp dụng chế tài hình sự với luật sư khi họ tuân thủ đúng Bộ luật TTHS 2015.

Như vậy để thực thi được khoản 3 Điều 19 Dự thảo sửa đổi BLHS 2015 nếu giữ nguyên dự luật hoặc thu hẹp lại chỉ còn 83 tội, 27 tội, 20 tội hay ít hơn nữa thì Quốc hội cần xem xét lại sửa điểm g khoản 2 Điều 73 Bộ luật TTHS 2015 đã thông qua.

Nếu khoản 3, Điều 19 không được điều chỉnh, hệ lụy là khi Nhà nước xử lý pháp luật hình sự đối với luật sư về hành vi không tố giác 83 hay 27 hay 20 tội được thu hẹp trong Dự thảo sửa đổi BLHS 2015, sẽ không thực hiện được vì luật sư có quyền bào chữa cho mình rằng tôi đang thực hiện đúng quy định pháp luật ở điểm g khoản 2 Điều 73 Bộ luật TTHS sao lại khởi tố tôi theo Điều 19 BLHS?

Lỗi này là do xung đột pháp luật, luật sư thực hiện đúng Bộ luật TTHS 2015 thì vi phạm BLHS 2015, còn thực hiện đúng Luật sửa đổi bổ sung BLHS 2015 thì vi phạm Bộ luật TTHS 2015!

Hơn nữa, nếu để khoản 3, điều 19 như Dự thảo sửa đổi BLHS năm 2015 như hiện nay thì mâu thuẫn sẽ phát sinh, dẫn đến sự không thống nhất giữa các bộ Luật với nhau. Với quy định như dự thảo, các luật sư sẽ rất lo sợ vì các loại tội đặc biệt nghiêm trọng chiếm khoảng 1/4 Dự thảo sửa đổi BLHS năm 2015, và như thế rủi ro nghề nghiệp của luật sư sẽ tăng lên.

Một khi quan hệ luật sư - thân chủ bị ảnh hưởng tiêu cực, thân chủ thì thiếu niềm tin đối với luật sư, còn luật sư nơm nớp lo bị phạm tội không tố giác, khi đó nền tư pháp sẽ có lỗi hệ thống và không thể đảm đương chức năng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Luật sư không làm thay cơ quan điều tra

PV:Luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của luật sư, Viện kiểm sát, Tòa án. Quy định việc luật sư tố thân chủ có sợ rằng việc bảo vệ quyền của thân chủ bị xâm phạm, cũng như luật sư đang làm thay công việc của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hay tòa án không, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Ngày nay, nguyên tắc suy đoán vô tội ngày được coi trọng hơn trong công tác điều tra, xét xử. Tất cả các bị can, bị cáo đều chỉ bị coi là có tội hay không sau khi Toà án chứng minh có tội với đầy đủ chứng cứ được xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan.

Luật sư hơn ai hết, càng phải tin rằng thân chủ của mình là vô tội để thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đến cùng với thân chủ của mình. Luật sư cũng chỉ là một bên tham gia trong quá trình tố tụng thì không thể nào tự cho mình biết rõ và có đủ chứng cứ để khẳng định rằng thân chủ của mình phạm tội để mà tố cáo với cơ quan chức năng.

Hơn nữa, về mặt nghề nghiệp, giữa luật sư và thân chủ của họ là quan hệ uỷ quyền, tin cậy, phải có niềm tin ở thân chủ và nếu luật sư lại đi tố giác, phản bội thân chủ thì đó không còn là luật sư nữa.

Thậm chí, có những luật sư sau khi kết thúc hợp đồng, dù họ biết khách hàng của mình phạm tội thì cũng không tố giác người mà họ đã từng thuê mình bảo vệ. Và đó là mới là thiên chức của nghề luật sư. Nếu luật sư đi tố thân chủ thì đúng là luật sư đã làm thay công việc của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.

PV: Có ý kiến cho rằng, pháp luật quy định mọi công dân đều có trách nhiệm bảo vệ công lý. Luật sư cũng là công dân thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đó. Vì thế khi biết thông tin về tội phạm thì luật sư - công dân phải có trách nhiệm tố giác. Theo ông, với những tội nào luật sư không thể làm ngơ?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Với những tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, đặt bom... luật sư với trách nhiệm công dân bắt buộc phải báo cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn. Lúc này, luật sư cũng phải trao đổi lại với thân chủ rất rành mạch và sòng phẳng.

Không nên đánh đồng hai chủ thể “luật sư” và “công dân” làm một. Nếu tách bạch ra, tức khi không nằm trong mối quan hệ với thân chủ, luật sư vẫn là một công dân, nên anh vẫn phải có nghĩa vụ tố giác tội phạm, cũng như không được phép che giấu tội phạm. Tức anh cũng phải thực hiện nghĩa vụ của một công dân bình thường.

Còn khi hành nghề, luật sư phải tuân thủ các nguyên tắc hành nghề mà pháp luật cũng như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà tổ chức đưa ra. Rằng, trong mọi trường hợp, luật sư không được phép tiết lộ bí mật của thân chủ.

PV: Theo ông, khoản 3, Điều 19 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 cần được bổ sung, chỉnh sửa như thế nào cho phù hợp?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Cái gốc của vấn đề là xác định mục đích quy định như khoản 3, điều 19 để làm gì? Quy định là để dự phòng một tình huống luật sư biết mà không tố cáo chính bị can, bị cáo mình bảo vệ?

Theo tôi, cần điều chỉnh lại khoản 3, điều 19, chỉ dừng lại ở tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng trong tình trạng “đang chuẩn bị thực hiện” hoặc “đang thực hiện” và cũng giới hạn ở các tội cụ thể.

Theo đó, nên quy định: “Trừ trường hợp không tố giác các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại điều 389 của bộ luật này khi biết rõ tội phạm đó đang được chuẩn bị thực hiện, đang thực hiện”.

Không nên quy định thêm tội phạm đã thực hiện. Nếu quy định vào sẽ gây xung đột, mâu thuẫn. Vì nếu tội phạm “đang thực hiện” và “đang chuẩn bị thực hiện” thì mới có nguồn nguy hiểm gây ra cho xã hội, sẽ gây ra cho xã hội, lúc này trách nhiệm của luật sư là ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại.

Còn tội phạm đã thực hiện thì hậu quả đã xảy ra rồi, trách nhiệm chứng minh tội phạm là của các cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải thuộc về bị can, bị cáo, hay luật sư.

PV: Xin cảm ơn ông./.