Luật sư phải chịu trách nhiệm như các công dân khác…
Luật sư nếu không tố giác tội phạm có bị quy trách nhiệm hình sự hay không là vấn đề còn có nhiều ý kiến trái chiều. Thảo luận về nội dung này, tại phiên họp thứ 7 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga “nghiêng” về quan điểm luật sư cũng phải chịu trách nhiệm như những công dân khác nếu luật sư đang bào chữa về tội này nhưng phát hiện ra các tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, hay các tội đặc biệt nghiêm trọng mà không tố giác. Theo bà Lê Thị Nga, quy định như vậy là phù hợp, bảo đảm mọi công dân đều có nghĩa vụ phải tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm.
Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Ông Thịnh đề nghị cân nhắc, quy định theo hướng người bào chữa chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm đối với một số tội phạm cụ thể, đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia như tội phản bội Tổ quốc, tội gián điệp, tội khủng bố chống chính quyền nhân dân, tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, tội bạo loạn, tội phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam.
Theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, không chỉ ở Việt Nam, mà thông lệ quốc tế về vấn đề này vẫn còn khác nhau. Ở nhiều nước, luật sư được miễn trách nhiệm hình sự khi biết bất cứ thông tin gì của thân chủ, bởi bổn phận của luật sư là bảo vệ. Cũng có nước, luật chỉ miễn trách nhiệm của luật sư ở những tội luật sư đang bảo vệ, còn những tội khác vẫn phải chịu trách nhiệm.
… nhưng không làm thay chức năng của cơ quan buộc tội
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đề nghị cơ quan lập pháp nên xem xét, đặt mình vào vị trí của người làm nghề luật sư hoặc làm khách hàng của luật sư để hiểu rõ hơn.
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Về mặt đạo đức nghề, theo quy định tại Điều 9 Luật sửa đổi, bổ sung của Luật luật sư, làm như vậy là vi phạm. Mặt khác, tại thời điểm khách hàng tham vấn, chưa có gì khẳng định sự việc là có thật và do chính khách hàng làm. Bởi thực tế, để xác định một người có tội hay không, các cơ quan tiến hành tố tụng phải qua các bước khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử ở hai cấp Toà án. Như vậy, khi buộc trách nhiệm luật sư tố giác khách hàng của mình là tội phạm ngay khi họ đến trình bày hoặc tham vấn là không ổn. Nếu họ không phạm tội và cho rằng luật sư vu khống, thì ai sẽ chịu trách nhiệm về tội vu khống này? Làm như vậy, liệu khách hàng có đồng tình và tin vào luật sư nữa hay không?
Ở góc nhìn khác, TS. Luật sư Nguyễn An (Hãng luật Cộng Đồng, Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Việc chứng minh tội phạm thuộc về nghĩa vụ của cơ quan điều tra. Nguyên tắc hành nghề luật sư là làm những gì có lợi nhất cho khách hàng của mình mà pháp luật không cấm. Việc bị can, bị cáo, người bị tạm giữ có quyền im lặng để bảo vệ mình thì luật sư cũng có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ thông tin gây bất lợi cho khách hàng. Việc làm này là đúng quy định của pháp luật nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự của luật sư.
Luật sư Nguyễn An (Hãng luật Cộng Đồng, Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Đối với người hành nghề luật sư, quy định của pháp luật luôn là barem để tham chiếu khi giải quyết vụ việc. Do vậy, luật phải được áp dụng ngang nhau và có hiệu lực như nhau. Luật Luật sư cũng như Luật Hình sự, mục đích ban hành luật là để điều chỉnh nhưng cần thống nhất và dễ thực hiện, có tính hợp lý về mặt thực tiễn, có vậy luật mới không bị sửa đổi và đi vào đời sống. Trong khi Luật luật sư yêu cầu giữ bí mật của khách hàng, còn Luật Hình sự lại yêu cầu luật sư cung cấp thông tin đến cơ quan có thẩm quyền và buộc tố giác tội phạm, là việc làm mâu thuẫn.
Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, chỉ nên quy định luật sư hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền về tội xâm phạm an ninh quốc gia là đủ, không nên buộc luật sư phải làm thay chức năng của các cơ quan buộc tội. Luật đã quy định rõ việc chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng; Nhà nước có rất nhiều cơ quan khác nhau có thẩm quyền, có công cụ và có nghiệp vụ để kiến nghị các cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm hình sự của các cá nhân tổ chức có hành vi vi phạm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động./.