Sau 11 năm ngồi tù với 4 lần bị tuyên án tử hình, ông Hàn Đức Long đã chính thức được trả tự do, minh oan khỏi tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em và giết người. Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nêu rõ, điểm đáng chú ý trong vụ án này đó là nguyên tắc suy đoán vô tội được áp dụng cho vụ án Hàn Đức Long.

han_duc_long_2_pycd.jpg
Ông Hàn Đức Long (Ảnh: VTC News)

Không chứng minh được ông Hàn Đức Long phạm tội

PV: Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự về tội hiếp dâm và trả tự do cho bị can Hàn Đức Long, vậy ông Hàn Đức Long đã chính thức được minh oan hay chưa, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Vụ án ông Hàn Đức Long được đình chỉ căn cứ vào khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, tức thuộc trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm. Điều đó có nghĩa với quyết định đình chỉ vụ án của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang, ông Long đã được coi là không phạm tội và đã được minh oan.

PV: Trong vụ án ông Hàn Đức Long, có ý kiến cho rằng chưa bắt được hung thủ chưa thể nói ông Long vô tội, luật sư bình luận gì về ý kiến này?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Việc chưa bắt được hung thủ thực sự của vụ án và việc ông Long được minh oan là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Bởi sự thật của vụ án chỉ có một, nếu ông Long không thực hiện hành vi phạm tội thì ông Long vô tội. Ai đó không phải ông Long là người đã thực hiện hành vi phạm tội thì đó là một vấn đề khác của vụ án, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm và nghĩa vụ làm rõ. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.

PV: Nếu không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội theo trình tự thủ tục luật định thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Ở đây phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Nguyên tắc suy đoán vô tội là một bước tiến bộ rất lớn trong lịch sử tố tụng của nhân loại, nguyên tắc này không những góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người bị buộc tội trong quá trình tố tụng mà còn là đảm bảo cho hoạt động tố tụng diễn ra một cách khách quan, chính xác; đây cũng là cơ sở để xây dựng các quy định dân chủ và tiến bộ của pháp luật tố tụng hình sự.

Thực tiễn, một người có thể đã thực hiện tội phạm, về mặt thực tế họ là người phạm tội, nhưng nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được người đó phạm tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng không thể khởi tố, truy tố hoặc xét xử và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với họ.

Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên chứng cứ xác thực và không có sự nghi ngờ. Mọi sự nghi ngờ đối với hành vi của người bị buộc tội và các tình tiết của vụ án phải được kiểm tra, chứng minh, làm rõ một cách tường minh, đầy đủ và thuyết phục nhất.

Nếu không chứng minh được, không làm rõ được sự nghi ngờ thì sự nghi ngờ đó phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị bắt, người bị khởi tố. Do đó, nếu nghi ngờ một người phạm tội nhưng không chứng minh được họ phạm tội thì phải coi đó là người vô tội.

Luật Tố tụng hình sự yêu cầu mọi tội phạm phải được phát hiện và xử lý đúng người đúng tội và đúng pháp luật, tránh trường hợp làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế có thể xảy ra tình huống chứng cứ buộc tội yếu, cả hai khả năng vô tội và có tội cùng song song tồn tại mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết mà pháp luật quy định nhưng vẫn không loại trừ được khả năng nào thì nguyên tắc suy đoán vô tội yêu cầu giải quyết theo hướng người đó được coi là vô tội.

PV: Là một trong những luật sư đầu tiên tham gia vào quá trình bào chữa cho ông Hàn Đức Long, ông đánh giá thế nào về quá trình tố tụng của vụ án?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Quá trình tố tụng của vụ án là không khách quan và không đúng pháp luật. Các chứng cứ, tài liệu cơ quan điều tra thu thập được là không đủ để kết tội, kết luận ông Long phạm tội. Hành vi phạm tội mà các cơ quan tiến hành tố tụng quy kết cho ông Long là không logic và không phù hợp với thực tế khách quan đã tồn tại trước đấy. Tòa án Nhân dân tối cao cũng đã 2 lần hủy án, việc điều tra lại đã được tiến hành nhiều lần nhưng không khắc phục được mâu thuẫn, không thu thập được đầy đủ chứng cứ hợp pháp và chứng minh ông Long có tội.

Tuy nhiên, hơn 10 năm, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang, tòa phúc thẩm vẫn nhất mực kết tội (với 4 lần kết tội) và tuyên án tử hình với ông Long, tôi cho rằng quá trình tố tụng dài và nhiều bất thường như vậy dư luận xã hội có quyền đặt ra những câu hỏi về sự vô tư, khách quan, thậm chí vô cảm của các cơ quan tiến hành tố tụng và một số người tiến hành tố tụng.

Phải làm gì khi bị buộc tội oan?

PV: Luật sư có lời khuyên nào cho người dân có thể tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Bị buộc tội oan là một tai họa từ trên trời rơi xuống, nên người bị buộc tội oan thường bị bất ngờ, bị động, hoang mang. Họ không có được sự tỉnh táo, sáng suốt cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do vậy, mỗi người nên trang bị kiến thức pháp lý tối thiểu, để giúp mình biết và tránh thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời có sự chủ động và cách thức xử lý phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi không may bị rơi vào tình huống này cũng như các tranh chấp, rủi ro pháp lý trong cuộc sống.

Trong trường hợp bị buộc tội oan, trước hết người bị buộc tội cần nhanh chóng lấy lại bình tĩnh để có thể tự bảo vệ mình một cách đúng đắn nhất, tức là luôn phải khai báo trung thực, không làm thì không nhận tội. Đồng thời đề nghị thực hiện quyền của mình là khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật với các hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp, thậm chí phải mời luật sư, và im lặng chờ luật sư tới. Nếu họ là người không hiểu biết pháp luật, gia đình, người thân giúp họ mời luật sư hoặc tới các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước để được hướng dẫn, tư vấn.

PV:Xin cảm ơn luật sư./.