Tại hội nghị An toàn giao thông vừa diễn ra tại Hà Nội, Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Lào Cai - ông Trần Ngọc Sơn đề xuất xóa bỏ biển đỏ, biển xanh đối với xe công để thống nhất biển xe một màu trên toàn quốc.

Theo ông Sơn, điều này tạo ra sự bình đẳng cho mọi người khi tham gia giao thông. Tuy nhiên cũng có ý kiến băn khoăn liệu bản chất của vấn đề có phải bắt nguồn từ màu của biển số xe hay không, hay còn do cách hành xử của những người thực thi công vụ. Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty Luật Bross và cộng sự về vấn đề này.

vu_ban_chet_3_nguoi_do_tranh_chap_dat_dai_trach_nhiem_cua_ai_55_9438_gtmh.jpg
Luật sư Nguyễn Hồng Bách.

PV:Lâu nay tình trạng xe biển xanh luôn được ưu tiên khi tham gia giao thông, thậm chí nhiều xe biển xanh vi phạm giao thông được cho qua như một quy định bất thành văn của lực lượng Cảnh sát giao thông hay Thanh tra giao thông. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Đây là một thực tế đã tồn tại khá lâu và hiện nay vẫn đang diễn ra. Tôi cho rằng đây là một hiện tượng tiêu cực, không đúng với các quy định của pháp luật.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tâm lý coi thường pháp luật, có dấu hiệu của sự cậy chức, cậy quyền của những người sử dụng xe công, cũng như tâm lý nể nang, ngại va chạm trong đội ngũ thi hành công vụ và những người tham gia thực hiện pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông.

PV: Có ý kiến để đảm bảo công bằng trong xử lý phạt vi phạm khi tham gia giao thông nên thống nhất biển số xe về một màu. Ý kiến của ông về đề xuất này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Theo tôi, không nên bỏ biển xanh, biển đỏ. Thứ nhất, đây là xe công vụ của các cơ quan nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang. Việc quy định biển đặc thù sẽ giúp các xe công vụ thuận lợi trong quá trình thực thi công vụ, còn những vấn đề khác đều bình đẳng trước tất cả mọi thành phần kinh tế.

Người dân và lực lượng chức năng cũng dễ dàng nhận biết và tạo điều kiện hợp tác, giúp đỡ các xe này trong việc thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, việc giữ biển xanh, biển đỏ cũng là việc công khai hoạt động của các xe công vụ để giúp quần chúng nhân dân, các lực lượng chức năng có thể dễ dàng nhận biết và giám sát việc sử dụng xe công cũng như giám sát quá trình thực thi công vụ của các xe biển xanh, biển đỏ này.

PV: Có nghĩa bản chất vấn đề không nằm ở màu biển số xe mà do ý chí của lực lượng thực thi nhiệm vụ, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Chúng ta phải nhìn nguyên nhân và việc bỏ qua không xử lý các vi phạm Luật giao thông của các xe công vụ chủ yếu nằm ở tâm lý và thái độ của những người thực thi công vụ. Dù bỏ biển xanh, biển đỏ nhưng những người thi hành công vụ không xóa bỏ được tâm lý, tư tưởng nể nang, bao che cho nhau thì cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Nhiều khi chỉ cần một cái bắt tay thân quen, một lời giới thiệu hoặc một cuộc điện thoại thì vi phạm vẫn có thể được bỏ qua.

Ở đây đánh vào ý thức của những người thực thi công vụ, tại sao anh lại ưu tiên trong khi họ đang vi phạm, trừ những trường hợp đặc biệt.

Xe biển xanh đi ngược chiều, ép taxi nhường đường. (Ảnh cắt từ clip).

PV:Không chỉ được ưu tiên khi tham gia giao thông, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng xe công còn được đặc quyền sử dụng biển số xe đẹp. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) có đề xuất đưa kho biển số xe vào quỹ tài sản chung để khai thác, cho đấu giá, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đề xuất này được cho là có thể thực hiện ngay nhưng cho tới nay vẫn chưa thực hiện được. Theo ông, vấn đề này nằm ở đâu?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Pháp luật chưa có quy định coi biển số xe là một loại tài sản. Nếu đã không phải là một loại tài sản thì không có cơ sở pháp lý để có thể tiến hành bán đấu giá biển số xe. Nếu bán đấu giá biển số xe thì đây sẽ trở thành tài sản thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân. Có rất nhiều vướng mắc mà các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và giải quyết.

PV:Trong khi chúng ta đang hướng tới việc bình đẳng và không phân biệt nhằm tạo động lực cho phát triển thì trong tham gia giao thông, việc phân biệt biển xanh, đỏ, trắng đã tạo ra sự đặc quyền cho một nhóm người. Theo ông, điều này gây ra hệ quả như thế nào?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Chúng ta đã có một cơ chế pháp lý, tức là mọi công dân, tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật và không ai có quyền được đứng trên pháp luật.

Áp dụng trong trường hợp xe biển xanh, đỏ, trắng có bình đẳng trước pháp luật không? Về mặt nguyên tắc, những biển xe này hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật. Còn những đặc quyền, được ưu tiên đã được quy định trong một số trường hợp.

Tất cả những hành vi vi phạm đều phải được xử lý theo quy định của pháp luật, không được ngoại trừ. Trong trường hợp đó, nếu không được xử lý như nhau thì sẽ bất bình đẳng. Do đó, tất cả phụ thuộc vào ý chí chấp hành pháp luật của người thi hành công vụ và người tham gia giao thông.

PV: Xin cảm ơn ông./.