Mới đây, hình ảnh một bé gái được ngồi sau vô lăng điều khiển một chiếc xe biển xanh giữa phố Hà Nội đã khiến dư luận bức xúc. Ngay sau đó, một vụ tai nạn giao thông liên hoàn do lái xe của Sở Tài chính Hậu Giang gây ra, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng.
Và gần đây nhất, một xe biển xanh của Tổng cục Hải quan đã ngang nhiên đi ngược chiều, lái xe có dấu hiệu say xỉn, nhưng cảnh sát giao thông lại “ngó lơ”. Chỉ đến khi clip về vụ việc được đăng tải trên mạng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra làm rõ và xử phạt hành vi vi phạm.
Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện về ý thức của những tài xế lái xe công vụ khiến người tham gia giao thông, dư luận bức xúc. Ra đường mới thấy, nhiều lái xe công vụ ý thức chấp hành giao thông rất kém. Họ sẵn sàng lấn làn, vượt đèn đỏ, chèn ép các xe khác, chạy quá tốc độ… mà vẫn không sao.
Một câu chuyện liên quan đến nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, khi ông còn đương chức, lái xe của ông vi phạm giao thông trên đường phố Hà Nội. Chính ông đã bước xuống xe yêu cầu cảnh sát giao thông phải xử lý nghiêm lái xe của mình. Cách xử lý của ông Nguyễn Khánh có thể khiến tài xế không vui nhưng là bài học cho chính anh ta và nhiều người khác, kể cả những người làm lãnh đạo.
Một lý do mà các tài xế xe biển xanh “ngang nhiên vi phạm” rất dễ nhìn thấy, nhiều cảnh sát giao thông đã “làm ngơ” với những vi phạm của các lái xe này. Bởi họ biết rằng, nếu có “tuýt” mấy anh lái xe biển xanh lại thì cũng chẳng làm gì được, chỉ tốn thời gian. Họ sẽ tìm đủ lý do để “thoát” không bị xử lý. Nhiều lái xe biển xanh vi phạm các lỗi phải lập biên bản tạm giữ phương tiện hoặc phạt tiền, họ đều gây áp lực khi nói rằng, nếu tạm giữ xe thì nhiệm vụ quan trọng mà lãnh đạo của họ được giao sẽ bị đình trệ.
Lái xe biển xanh, xe công vụ có gì đặc biệt mà lại có những đặc quyền, đặc lợi khi tham gia giao thông như vậy? Xét ra, khi tham gia giao thông, các lái xe đều phải bình đẳng chấp hành Luật giao thông đường bộ.
Qua các sự vụ đã xảy ra, hy vọng các đơn vị có xe công phải uốn nắn lại ý thức của các lái xe, đừng dung túng cho các hành vi sai phạm của họ. Bởi dung túng có nghĩa là tiếp tay cho họ cướp đi mạng sống của người khác khi tham gia giao thông.
Lẽ ra, khi biết mình đang đại diện cho hình ảnh của một cơ quan, tổ chức thì lái xe biển xanh phải có ý thức hơn những người lái xe biển trắng. Và nếu có vi phạm giao thông thì cũng phải chấp hành nghiêm túc hơn những lái xe khác. Chỉ khi nào, đạo đức, tác phong công vụ “ngấm” vào từng hành động nhỏ nhất của từng cá nhân dù làm việc đơn giản nhất trong hệ thống công vụ thì khi đó mới hy vọng luật pháp được thượng tôn./.
Tài xế say rượu lái xe biển xanh bỏ chạy sau khi tông chết 2 người