Bạn đọc hỏi:

Tôi hay thấy báo chí nói là nghi can, nghi phạm, bị can, bị cáo… Luật sư cho tôi hỏi phân biệt những đối tượng này như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Ở góc độ pháp lý, theo quy định của Bộ luật TTHS chỉ tồn tại các tên gọi: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Hiện trong Hiến pháp và pháp luật về tố tụng và điều tra hình sự, kể cả dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) sửa đổi, bổ sung không tồn tại các thuật ngữ pháp lý nghi can, nghi phạm. Cho nên, về tên gọi pháp lý, gọi người bị bắt bằng nghi can, nghi phạm đều không chính xác.

Ở góc độ ngữ nghĩa, “nghi can” được hiểu là người bị nghi là có liên quan đến vụ án và thuộc trường hợp chưa bị bắt. Còn “nghi phạm” được hiểu là người bị nghi là tội phạm, có dấu hiệu của một tội phạm và đã bị lệnh bắt.

Khái niệm trong pháp luật tố tụng hình sự về “Bị can” và “Bị cáo” là để chỉ người có dấu hiệu tội phạm trong các quá trình khác nhau của của vụ án. Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự, bị cáo là người đã bị đưa ra xét xử. Tức là trong thời gian điều tra vụ án, người bị bắt giữ và tình nghi phạm tội  được gọi là bị can, nhưng khi hoàn tất quá trình xét xử, có cáo trạng của VKS và Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì bị can sẽ chuyển thành bị cáo.

Về quyền, bị can có những quyền sau:

- Được biết mình bị khởi tố về tội gì.

- Được giải thích về quyền và nghĩa vụ.

- Trình bày lời khai.

- Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu.

- Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định.

- Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

- Được nhận quyết định khởi tố; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố; các quyết định tố tụng khác theo quy định.

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Bị cáo có những quyền sau:

- Được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án; các quyết định tố tụng khác theo quy định.

- Tham gia phiên toà.

- Được giải thích về quyền và nghĩa vụ.

- Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định.

- Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu.

- Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

- Trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa.

- Nói lời sau cùng trước khi nghị án.

- Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án.

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Về nghĩa vụ, bị can có nghĩa vụ:

Phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.

Bị cáo có nghĩa vụ:

Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.

Nếu còn điều gì thắc mắc cần giải đáp thêm, bạn đọc có thể gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật VOV.VN số 19006511 để được tư vấn./.