Ngày 19/2, một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc gửi xe ô tô tại chung cư Đại Thanh bị mất 4 logo xe tuy nhiên bảo vệ không nhận trách nhiệm. Vấn đề này đang gây tranh luận sôi nổi với nhiều quan điểm khác nhau.
Cả người gửi và người nhận gửi chưa làm đúng luật
Phân tích vụ việc ở góc độ người nhận trông xe, theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội), người bị thiệt hại về tài sản vẫn chưa gặp được nhân viên ca trực mà mới chỉ gặp người trực ở ca tiếp theo. Vì vậy câu trả lời của họ là không biết và không nhận trách nhiệm, logo xe có thể đã bị mất trước khi mang xe vào gửi chứ không hẳn bị mất ở bãi gửi xe, không phải không có lý. Tuy nhiên họ vẫn thể hiện thiện chí chia sẻ do vậy họ hỗ trợ một phần chi phí lắp lại logo chứ nhất quyết không đền bù.
Ở góc độ người gửi xe, họ cho rằng mình bị mất logo xe tại bãi gửi hoặc là khi gửi xe đầy đủ logo, sau đó qua đêm mới bị mất cũng không phải không có lý nếu bên nhận không thể chứng minh bên gửi bị mất logo trước khi đưa vào gửi.
Như vậy, rõ ràng cả hai bên đều có lý do nhất định khi đưa ra quan điểm đối với yêu cầu của mình trước yêu cầu của bên còn lại.
Dẫn các quy định tại Mục 12 Hợp đồng gửi giữ tài sản của Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017, tại điều 555 có quy định: Nghĩa vụ của bên gửi tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và theo điều 556, bên gửi có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất. Tại điều 557 quy định nghĩa vụ của bên nhận xe phải trả lại tài sản cho bên gửi nguyên trạng như khi nhận giữ.
(Ảnh chụp từ clip) |
Theo quy định của pháp luật, chiếc vé xe chỉ có thể miêu tả được biển số xe và thời gian gửi, không thể hiện tình trạng tài sản khi gửi một cách khái quát nhất khi hai bên thực hiện hợp đồng gửi giữ, dẫn đến việc thất thoát tài sản khi gửi giữ.
Như vậy có thể thấy chiếc vé gửi tài sản như vậy không đủ đảm bảo tính pháp lý cho các bên gửi và nhận gửi tài sản, cụ thể là trong trường hợp này tài sản là ô tô vì vậy rất có thể tranh cãi sẽ không có hồi kết.
Luật sư cho rằng vé gửi xe cũng có thể coi là hợp đồng dân sự giữa bên gửi và bên nhận (Ảnh chụp từ clip) |
Có thể coi vé nhận gửi xe là hợp đồng dân sự
Ở một góc nhìn khác, luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo), cho rằng, việc gửi và giữ xe được biểu hiện thông qua chiếc vé nhận giữ xe, thực chất đã hình thành một quan hệ dân sự. Theo đó, các bên đã thiết lập một Hợp đồng gửi giữ tài sản. Trong hợp đồng đó, một bên có trách nhiệm trông giữ tài sản và một bên có nghĩa vụ thanh toán phí trông giữ (tiền công) và các quyền nghĩa vụ khác.
Theo quy định tại các điều 555 đến điều 561 Bộ luật Dân sự 2015, bên giữ tài sản có trách nhiệm phải bồi thường cho bên gửi tài sản nếu để mất mát hư hỏng tài sản. Trong trường hợp này bên gửi tài sản đã bàn giao xe, và khi bàn giao, bên giữ tài sản không có bất kỳ sự ghi nhận về hỏng hóc hay mất mát nào.
Do vậy, trong trường hợp này, Ban quản trị chung cư phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người gửi xe và nếu Ban này đã ký hợp đồng với một đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư (thực hiện các dịch vụ vận hành tòa nhà), thì đơn vị vận hành Tòa nhà có trách nhiệm bồi thường tổn thất do dịch vụ của mình gây nên cho ban quản trị chung cư, theo quy định của điều 27 Thông tư 02/2016/TT-BXD - quy định Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư có thể ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để thực hiện các dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư nhưng phải chịu trách nhiệm về nội dung hợp đồng đã ký kết với Ban quản trị nhà chung cư). Tuy nhiên, luật sư Tạ Quốc Long cũng nhấn mạnh, trường hợp này chỉ áp dụng đối với cư dân trong chung cư gửi xe. Nếu là xe gửi vãng lai thì đơn vị nhận trông giữ xe phải có trách nhiệm bồi thường.
Cần một loại vé xe đặc biệt
Luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng, để tránh các trường hợp thất thoát tài sản không đáng có, để thực thi quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc gửi, giữ tài sản, các cơ sở trông giữ tài sản cần thay đổi hình thức phù hợp, đúng với luật định và áp dụng chung trong phạm vi toàn thành phố, tránh các trường hợp đáng tiếc.
Việc phát hành một loại vé thể hiện đầy đủ tình trạng tài sản khi các bên tiến hành gửi giữ không chỉ đảm bảo đầy đủ tinh thần pháp luật mà còn là chiến lược lâu dài, tạo cơ sở để phân xử quyền và nghĩa vụ khi xảy ra vụ việc pháp lý (ví dụ ảnh chụp tài sản các góc độ và được chuyển từ người nhận sang người gửi thông qua hỗ trợ khoa học kỹ thuật, hoặc quay clip lại các góc độ tài sản gửi được chuyển từ người nhận sang cho người gửi tài sản…).
Luật sư Vũ Ngọc Chi cũng cho biết thêm, trong trường hợp trích xuất camere an ninh xác định được đối tượng lấy 4 chiếc logo xe, các cơ quan tố tụng hình sự có thể tiến hành trưng cầu định giá ở các cơ quan chuyên môn, nếu thoả mãn giá trị theo luật hình sự quy định tại điều 138 Bộ luật Hình sự 1999 thì có thể khởi tố vụ án Tội trộm cắp tài sản./.
Quên giấy tờ xe, giấy phép lái xe ở nhà bị phạt bao nhiêu tiền?