Khoảng 15h chiều 4/4, tại tuyến đường Xã Đàn - Kim Liên mới, tài xế xe Toyota Innova mang BKS 30A-229.91 bị người dân chặn giữ và CSGT mời về phường làm việc sau quãng đường dài chiếc xe này lạng lách trên đường để chạy trốn CSGT, gây nguy hiểm cho nhiều người đi đường.

Dư luận cho rằng việc truy đuổi của CSGT là không nên bởi có thể gây nguy hiểm cho người đi đường. Thêm nữa, thông qua biển số xe, camera giám sát…, CSGT có thể truy tìm ra tài xế vi phạm.

csgt_duoi_xe_vi_pham_fvxe.jpg
Hình ảnh chiếc xe bị chặn giữ được cắt từ clip do bạn đọc cung cấp.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng trong trường hợp này lỗi hoàn toàn do người điều khiển phương tiện giao thông. Người này có dấu hiệu vi phạm luật giao thông nên CSGT mới yêu cầu dừng xe. Trong trường hợp nếu CSGT xác định tài xế này vi phạm luật giao thông thì cũng chỉ bị phạt hành chính chứ không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, tài xế này không những không tuân thủ yêu cầu của CSGT, mà còn tông vào CSGT rồi bỏ chạy, trong khi đoạn phố CSGT yêu cầu tài xế này dừng xe có thể chưa gắn camera nên buộc CSGT phải đuổi theo.

Tuy nhiên, trên thực tế, CSGT không truy đuổi quá gắt gao với tinh thần bắt bằng được mà có liên hệ với CSGT ở các chốt khác để ngăn chặn. Việc CSGT báo lực lượng ở các chốt ngăn chặn xe vi phạm là đã tính đến phương án không gây nguy hiểm cho các phương tiện khác khi tham gia giao thông.

“Trong trường hợp vi phạm của tài xế xe Innova này, theo tôi CSGT không có lỗi, và việc họ đuổi theo xe vi phạm là đương nhiên. Trong tất cả các trường hợp vi phạm giao thông mọi người ít nhất nên hợp tác để làm rõ đúng sai ,có thể người vi phạm chưa chắc đã vi phạm và cần có sự hợp tác để làm rõ có vi phạm hay không, không nên quá lo sợ bỏ chạy để dẫn đến những hậu quả khác không lường được, gây ảnh hưởng tính mạng sức khỏe cho người khác và cho chính bản thân mình”, luật sư Vũ Ngọc Chi nói.

Theo luật sư Bùi Thị Hằng (Công ty luật Intercode), việc tài xế Toyota Innova mang BKS 30A – 229.91 lạng lách trên đường để chạy trốn CSGT gây nguy hiểm cho nhiều người đi đường là hành vi vi phạm pháp luật.

Dẫn Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT có hiệu lực từ ngày 15/02/2016, luật sư Bùi Thị Hằng cho biết CSGT được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật;

Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật;

Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông;

Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;

Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật;

Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Từ phạm vi quyền hạn trên của CSGT, Thông tư 01/2016/TT-BCA cũng liệt kê các trường hợp được dừng phương tiện để kiểm soát: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;

Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Luật sư Bùi Thị Hằng cũng nêu rõ, thực tế đã có rất nhiều trường hợp CSGT bất chấp cả tính mạng, sức khỏe của chính mình và sự an toàn của những người tham gia giao thông thực hiện việc dừng phương tiện khi phát hiện phương tiện đó có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, trong khi CSGT còn có rất nhiều cách cũng như phương tiện, công cụ hỗ trợ khác để thực thi nhiệm vụ.

“Theo tôi, với những trường hợp vi phạm như trên, CSGT có thể báo cho các chốt, trạm CSGT khác trong địa bàn để chốt chặn, xử lý xe vi phạm. Hơn thế, Hà Nội đã lắp đặt hệ thống camera giám sát và đã áp dụng hình thức phạt nguội. CSGT có thể sử dụng triệt để hình thức này để xử lý, vừa đảm bảo kết quả và an toàn cho người dân, cho chính cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ không làm cản trở đến hoạt động giao thông và tuân thủ đúng quy định của pháp luật mà Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định”, luật sư Bùi Thị Hằng đề nghị./.