Ngày 17/1, xảy ra vụ sập giàn giáo khiến 3 người chết, 3 người bị thương tại công trình xây dựng ở đường Tố Hữu, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân sự cố là do khi tổ thi công đang đổ xe bê tông thứ 20, phát hiện dấu hiệu bất thường, 3 công nhân chui xuống gầm kiểm tra.

Vài phút sau giàn giáo sụp xuống vùi lấp cả 3 người. Hậu quả xảy ra là 3 công nhân chết, 3 công nhân bị thương.

sap_gian_giao_htfl.jpg
Hiện trường vụ sập giàn giáo

Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng. Hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc.

Về các dấu hiệu ban đầu của vụ việc, luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Gragon cho rằng, hiện tại với những tình tiết của sự việc cho thấy, chưa đủ căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự trong vụ án này.

“Với những dấu hiệu như kết luận nguyên nhân ban đầu của sự việc thì chỉ có thể xác định đây là một vụ tai nạn lao động”, ông Long cho hay.

Về trách nhiệm trong vụ việc, theo luật sư Long, chúng ta cần căn cứ vào Điều 144 và điều 145 Bộ luật Lao động.

Đối với trường hợp 3 công nhân chết trong vụ tai nạn thì thân nhân của họ có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về số tiền bồi thường thiệt hại.

Mức bồi thường phải từ 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động (hoặc thỏa thuận lao động bằng miệng) trở lên.

Nếu những công nhân này đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì ngoài các khoản bồi thường mà người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả, thì thân nhân của họ còn được hưởng một số chế độ do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định.

Đối với 3 công nhân bị thương thì cũng tùy thuộc vào tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cụ thể để xác định mức bồi thường của người sử dụng lao động.

“Họ cũng được hưởng chế độ do bảo hiểm xã hội chi trả nếu có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên”, ông Long cho hay./.

Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.
Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.