Bạn đọc hỏi: Hiện tại, em đang học tập và sinh sống tại Nhật Bản. Tháng 6 vừa rồi, anh Tuấn (người quen cùng quê của em) có nhắn tin, gọi điện và gửi tin nhắn qua zalo cho em với nội dung là vay em số tiền 70 triệu. Em cho Anh Tuấn vay tiền và người đó có hứa là trả vào tuần trước nhưng khi em gọi điện đòi thì họ chặn số, chặn facebook, chặn zalo của em, và em không liên lạc được. Hiện tại em có ảnh chụp chứng minh thư của họ và giấy hoá đơn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho họ cùng với những tin nhắn hứa hẹn trả tiền nhưng không trả của người đó. Như vậy em có đủ bằng chứng để khởi kiện người đó không ạ?
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn cho người cùng quê ở Việt Nam vay tiền qua điện thoại, tin nhắn điện thoại và zalo.
Theo quy định tại Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
Vậy khi anh Tuấn nhắn tin, gọi điện cho bạn để vay tiền và bạn có xác nhận việc cho vay bằng cách gửi tin nhắn lại, chuyển khoản theo đúng số tài khoản tên của anh Tuấn như vậy hợp đồng cho vay đã được ký kết bằng văn bản thông qua những tin nhắc xác thực việc cho vay.
Ngoài ra, nếu bạn muốn khởi kiện người vay tiền, bằng chứng mà bạn đưa ra sẽ được xác định như sau:
Thứ nhất, theo Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì nguồn chứng cứ của bạn là: nội dung tin nhắn qua điện thoại, zalo, hóa đơn chuyển tiền qua ngân hàng. Bạn cần xác định đúng số điện thoại mà anh Tuấn đó đang dùng, số tài khoản bạn chuyển tiền đứng tên anh Tuấn.
Thứ hai, căn cứ Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì văn bản tin nhắn điện thoại, zalo được coi là chứng cứ nếu xuất trình kèm theo nó là văn bản trình bày của bạn về xuất xứ của tài liệu khi bạn thu hình, văn bản, thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử dưới dạng tin nhắn điện thoại, tin nhắn zalo.
Bạn có thể nộp đơn khởi kiện để đòi lại số tiền đã cho vay tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi anh Tuấn cư trú, làm việc hoặc nơi anh Tuấn có tài sản giải quyết (theo điểm a khoản 1 Điều 39 và điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
Do hiện nay, bạn đang ở xa quê hương nên bạn có thể ủy quyền cho luật sư đại diện tham gia tố tụng đòi lại tài sản hoặc nhờ người thân đang cư trú tại Việt Nam viết đơn khởi kiện đến tòa án nơi người vay cư trú để thực hiện việc đòi lại số tiền cho vay nhưng bạn cần phải cung cấp chứng cứ, bằng chứng chứng minh. Việc không có mặt có thể gây ra những khó khăn không đáng có, bởi lẽ trong một số trường hợp cần thiết, bạn cần có mặt trực tiếp để xác thực lời khai, ký vào biên bản. Việc xác lập hợp đồng qua tin nhắn điện thoại nếu để lâu có thể gây khó khăn trong việc xác thực lại tin nhắn cũng như số điện thoại của người dùng, vì vậy bạn cần thực hiện việc đòi khoản vay đó sớm để tránh việc kéo dài thời gian và thủ tục tố tụng kéo dài.
Nếu còn điều gì thắc mắc cần giải đáp thêm, bạn đọc có thể gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật VOV.VN số 19006511 để được tư vấn./.