Liên quan đến vụ bé trai T.N.K (10 tuổi) bị cha đẻ là Trần Hoài Nam (34 tuổi, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) và mẹ kế bạo hành dã man trong suốt gần 2 năm qua, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã lấy lời khai của cả 2 đối tượng bạo hành, gây thương tích cho cháu K. để điều tra, xử lý nghiêm trước pháp luật.
Hành vi vô nhân đạo
Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho rằng, việc cha đẻ không chỉ dùng tay chân mà còn dùng những vật dụng khác có tính tổn thương và sát thương cao để “dạy dỗ” con là việc làm vô nhân đạo, vi phạm pháp luật. Xét về hành vi phạm tội của đối tượng thì thấy trong suốt một thời gian dài, hai đối tượng đã có hành vi hành hạ, ngược đãi con mình, không chỉ gây tổn hại lớn về sức khỏe mà còn tổn thương nặng nề về tâm lý đứa trẻ.
Trần Hoài Nam tại cơ quan công an. (ảnh: Dân Trí) |
Theo luật sư Giang Hồng Thanh, cơ quan điều tra cần thiết phải giám định thương tật đối với cháu bé. Trong trường hợp cháu bé có tỷ lệ thương tật cao, trên 11% thì cơ quan điều tra có thể khởi tố tối tượng về tội Cố ý gây thương tích.
Trong trường hợp tỷ lệ thương tật của cháu bé không đủ cơ sở để khởi tố đối tượng về tội Cô ý gây thương tích thì cơ quan điều tra có thể khởi tố về tội Hành hạ trẻ em. Bởi vì, mặc dù cháu bé không có tỷ lệ thương tật đảm bảo để khởi tố về tội Cố ý gây thương tích thì với những hành vi dã man, tàn nhẫn, hành hạ người lệ thuộc vào mình (bố hành hạ con đẻ) thì vẫn đủ yếu tố để cấu thành nên tội Hành hạ người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 3 năm tù.
Bố đẻ có thể đối diện án phạt tù
Theo quy định của pháp luật, tội Cố ý gây thương tích là tội có mức phạt cao hơn so với tội Hành hạ người khác. Theo quy định điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% - 60% hoặc từ 11% - 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% - 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Trên khắp cơ thể bé K. chi chít những vết sẹo cũ lẫn mới chưa lành hẳn. |
Hành vi này cũng được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 42 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Về việc xử phạt hành chính thì người vi phạm có thể bị phạt tiền, buộc xin lỗi theo quy định tại điều 49 mục 4 NĐ 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
Về trách nhiệm hình sự thì người có hành vi đánh đập, ngược đãi con cái sẽ bị khởi tố về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình” được quy định tại điều 151 Bộ Luật Hình sự: “Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm”.
Không chỉ dùng roi vọt, thìa đập vào đầu, người bố mất nhân tính còn thẳng chân đá vào con khiến cháu bị rạn xương sườn. (Ảnh: ANTĐ) |
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng, việc khởi tố, điều tra về tội danh nào còn phụ thuộc rất nhiều vào lời khai của người phạm tội, của người làm chứng, kết quả giám định tỷ lệ thương tật trên cơ thể cháu bé, xem xét vật chứng cũng như cơ chế thì mới xác định được./.
Clip: Phẫn nộ xem ông bố ở Hà Nội “diễn” lại cảnh đánh đập con trai
Bé trai 10 tuổi bị bạo hành dã man kể lại hành trình trốn chạy