Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) có một số khuyết điểm, vi phạm nên kiến nghị Bộ Chính trị có ý kiến để Hội đồng Bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV với ông Thanh.

Ngày 15/7 Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xem xét, biểu quyết tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, theo quy định hiện nay, cơ quan nào có thẩm quyền không công nhận tư cách ĐBQH đối với ông Thanh?, ThS luật Đồng Mạnh Hùng (Công ty Luật Phạm Nghiêm) cho biết: Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND năm 2015 quy định quy trình bầu cử ĐBQH thuộc thẩm quyền của HĐBCQG. Sau khi hoàn thành bầu cử, HĐBCQG sẽ công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH (khoản 1 Điều 86).

Sau đó, “căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử ĐBQH, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử, HĐBCQG tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử, cấp giấy chứng nhận ĐBQH khóa mới cho người trúng cử và báo cáo QH khóa mới về kết quả xác nhận tư cách ĐBQH tại kỳ họp đầu tiên” (khoản 1 Điều 88).

Như vậy chỉ sau khi được xác nhận tư cách ĐBQH và được cấp giấy chứng nhận ĐBQH tại kỳ họp đầu tiên thì người trúng cử mới chính thức là ĐBQH. Những vấn đề khác liên quan đến ĐBQH sau đó được điều chỉnh bởi Luật Tổ chức QH 2014, trong đó quy định thẩm quyền bãi nhiệm ĐBQH thuộc về QH (Điều 40).

“Do QH khóa XVI chưa họp kỳ đầu tiên nên ông Trịnh Xuân Thanh chưa chính thức là ĐBQH. Do vậy HĐBCQG có thể căn cứ vào kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (là kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến ông Thanh - người trúng cử ĐBQH) để không công nhận tư cách và cấp giấy chứng nhận ĐBQH cho ông Thanh. Như thế ông Thanh có thể không là ĐBQH khóa XVI, mặc dù đã trúng cử” - ThS Hùng nói./.