Chiều 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra kết luận việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.

thanh_a_alyi.jpg
Ông Trịnh Xuân Thanh (Ảnh: Báo Hậu Giang)

Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vụ việc này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, đồng tình với kết luận và cho rằng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm đúng quy trình, đã có kết luận rõ ràng trong một thời gian ngắn và được nhân dân ủng hộ.

Với mức độ nghiêm trọng như thế, ông tin những dấu hiệu vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh sẽ được xử lý quyết liệt, công khai, minh bạch trước công luận, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, việc làm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt công tác cán bộ, luân chuyển cán bộ cần được chấn chỉnh để loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, làm sạch bộ máy Nhà nước, lấy lại lòng tin của nhân dân.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, thời gian 2007-2013, trên các cương vị là Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế; đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, vi phạm, thua lỗ nêu trên là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Ông đề nghị các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước, trước hết là công an vào cuộc kiểm tra và tòa án phải giải quyết việc này.

“Công an cần vào cuộc ngay trong thời gian sớm nhất để kết luận ông Thanh vi phạm điều nào của Bộ luật Hình sự. Cần phải làm rõ trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm hình sự của ông Thanh đến đâu và phải xử lý đến cùng. Nếu xác định được thì vị trí đại biểu Quốc hội của ông Thanh cũng sẽ được giải quyết. Nếu không giải quyết vụ 3.200 tỷ đồng thì những vụ khác sẽ trì trệ và không giải quyết được”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Việc ông Trịnh Xuân Thanh được đề bạt, luân chuyển vào Hậu Giang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, bản thân ông Thanh không phải là người chịu trách nhiệm chính mà phải là những người đã ký quyết định đề bạt, bổ nhiệm ông.

“Người nào có quyền, được dân giao phó trách nhiệm đặt bút ký bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Bên cạnh đó, cần phải xem xét lại ai là người đã đặt bút ký, đề cử ông Thanh làm đại biểu Quốc hội, phải kiểm tra lại quy trình của chúng ta”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói. 

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Đồng quan điểm của Thiếu tướng Lê Văn Cương, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, hàng loạt sai phạm xảy ra xung quanh vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh cần phải quy trách nhiệm người đứng đầu, cụ thể là ở Tổng Công ty PVC, Bộ Công thương, Tỉnh ủy Hậu Giang.

Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, khi phát hiện sai phạm của cán bộ đảng viên, đặc biệt là cán bộ đảng viên có chức có quyền, có người bị kỷ luật, thậm chí có người phải hầu tòa, đó là điều đáng tiếc và không nên có trong một Đảng cách mạng. Khi đã xảy ra rồi, trước hết bản thân những người để xảy ra sai phạm phải tự suy ngẫm về hành động của mình, vì đây là kết quả của một quá trình bản thân người đó không chịu tu dưỡng, rèn luyện theo phẩm chất đạo đức Bác Hồ, theo kỷ cương kỷ luật của Đảng cũng như pháp luật của nhà nước. Đó cũng là bài học lớn trong quá trình phấn đấu công tác của các cá nhân đó.

Trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh còn là điều đáng tiếc về công tác luân chuyển, đề bạt cán bộ. Qua kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chứng tỏ công tác cán bộ còn nhiều sơ hở. Để xảy ra sai phạm và thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, như vậy, ông Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển nhưng ông vẫn được bổ nhiệm, luân chuyển ở những vị trí quan trọng. Điều đó chứng tỏ công tác cán bộ ở đây đã không tuân thủ đúng quy trình đã đề ra.

Về vấn đề này, theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nội bộ cơ quan Đảng, Nhà nước cần phải kiểm điểm, người nào đề bạt ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm. Đây cũng là bài học lớn về công tác cán bộ mà từ Trung ương tới cơ sở phải rút kinh nghiệm./.