Cơ quan điều tra đang làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản của 5 lái xe ôm lợi dụng người đi đường đi nhầm vào đường dẫn lên tầng 2 cầu Thăng Long để đe dọa bắt nộp tiền từ 100.000-500.000 đồng.

Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông, hiện cơ quan chức năng đã có thông tin của 3 bị hại, các bị can cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về cơ bản, như vậy đã rõ hành vi của các đối tượng,  tất nhiên còn phải qua các bước tố tụng khác như: nhận diện đối tượng, miêu tả hiện trường và sự việc...

Theo khai nhận ban đầu được các phương tiện truyền thông đưa tin, các đối tượng có sự bàn bạc phân công về vai trò, thời gian gây án... như vậy đã cấu thành tình tiết có tổ chức. Vì thế các đối tượng này sẽ bị áp dụng theo tình tiết định khung khoản 2 Điều 135 BLHS 1999. Trong khoản 2 điều này có quy định phạm tội có tổ chức sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Luật sư Vũ Ngọc Chi cũng cho biết, ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, việc xem xét trách nhiệm khác của các đối tượng phải dựa vào kết luận của cơ quan điều tra. Về mặt nguyên tắc khi xem xét trách nhiệm hình sự, mỗi hành vi chỉ bị xem xét trách nhiệm hình sự một lần. Mặt khác, mặc dù thực hiện một chuỗi hành vi khác nhau, liên tục nhưng chỉ hướng tới một mục đích duy nhất, thì thông thường các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không xem xét trách nhiệm hai lần.

Trường hợp của những bị can trong vụ cưỡng đoạt tài sản trên cầu Thăng Long cũng vậy. Có thể trong thực tế, để đe doạ các bị hại, những bị can này có mạo danh của cơ quan thực thi công vụ để doạ dẫm nhưng mục đích cuối cùng và duy nhất là để chiếm đoạt tài sản của bị hại. Trong thực tế nếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội nếu có đủ các yếu tố cấu thành thì vẫn có thể xem xét trách nhiệm hình sự thêm tội khác . Ví dụ khi đi cướp tài sản các đối tượng cầm theo súng, như thế đã cấu thành thêm tội tàng trữ vũ khí quân dụng.

Đưa ra lời khuyên với người dân khi gặp những tình huống tương tự, luật sư Vũ Ngọc Chi lưu ý:

Thứ nhất: Bằng mắt thường nhận diện về trang phục bên ngoài xem các đối tượng có thực sự là người có thẩm quyền, đang thực thi trách nhiệm hay không. Bởi nếu là lực lượng chức năng khi làm việc họ sẽ có những chừng mực nhất định trong quá trình giao tiếp cũng như hành vi; họ cũng có đầy đủ các loại trang thiết bị kèm theo khi làm nhiệm vụ ví dụ xe ôtô chuyên dụng, bộ đàm, hoặc xe máy đặc chủng... đây là những thứ không lẫn vào đâu được.

Thứ hai: Trong trường hợp họ tự xưng là cảnh sát hình sự, chúng ta cần biết rằng, trong việc xử phạt vi phạm giao thông, lực lượng cảnh sát hình sự là lực lượng hỗ trợ nhằm trấn áp tội phạm ngay tức thì nếu có nên họ sẽ thuộc thành phần trong liên ngành gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, công an phường sở tại; có trường hợp thêm cả thanh tra giao thông. Như vậy cảnh sát hình sự không đi thực hiện nhiệm vụ một mình khi đi xử phạt vi phạm giao thông.  

Thứ ba: Cần phải lắng nghe xem họ giải thích pháp luật khi mà người tham gia giao thông vi phạm. Vì người không có chuyên môn không giải thích được rõ về hành vi vi phạm và vi phạm điều khoản nào, được quy định ở đâu.

Thứ tư: Nếu có dấu hiệu bất thường cần bình tĩnh tuỳ tình huống để tìm người hỗ trợ giải thoát, luôn đặt tính mạng sức khoẻ lên hàng đầu khi đối phó với các loại tội phạm này./.