Quy hoạch tách rời, khó có đô thị sân bay

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là đầu mối giao thông quan trọng trong vận tải hành khách và hàng hoá lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, sân bay hiện nay đang nằm giữa một khu đô thị đông dân, chưa thể hình thành các cụm thương mại đa dạng và có sức hút, giao thông kết nối chưa đồng bộ, tình trạng quá tải ùn tắc diễn ra thường xuyên…

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao các sở, ngành và các quận liên quan nghiên cứu, xem xét các định hướng dài hạn đối với khu vực xung quanh sân bay trong quá trình lập và thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; xem xét giải pháp phát triển đô thị xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất để nghiên cứu trong quá trình lập điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn các quận, đề xuất các mô hình phát triển thương mại dịch vụ phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế trên địa bàn…

KTS Huỳnh Xuân Thụ, Phó Chánh văn phòng Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho biết, trong quy hoạch trước đây, TP.HCM mới chỉ đánh giá cao vai trò của sân bay Tân Sơn Nhất nhưng chỉ dừng ở mức là đầu mối giao thông vận tải quốc tế. Nhưng lần này, TP.HCM có cái nhìn đổi mới hơn. Quy hoạch phát triển khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là đầu mối giao thông quan trọng mà còn phát triển các loại hình thương mại dịch vụ vận tải, phát triển kinh tế đêm, các khu vực logistic…

Cách tiếp cận quy hoạch là lấy sân bay làm trung tâm, từ đó tạo động lực phát triển khu vực đô thị xung quanh. Mô hình đô thị sân bay được kỳ vọng mở ra không gian kinh tế cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu vực quanh sân bay, tạo thêm việc làm cho người dân.

“Có nhiều điểm rất hợp lý nhưng quy hoạch thì chưa điều chỉnh cho nên có những vướng về mặt pháp lý. Tới đây, để chúng ta có thể khai thác tốt nhất tiềm năng của sân bay quốc tế với quy mô lớn, với định hướng mà các nhà khoa học có thể đặt ra trong ngoặc kép là "đô thị sân bay" - KTS Huỳnh Xuân Thụ nói.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, đô thị sân bay thực chất là quy hoạch sân bay gắn liền với quy hoạch đô thị. Song thực tế chúng ta thực hiện công tác quy hoạch sân bay và công tác quy hoạch đô thị được tiến hành riêng rẽ. Tức là, khi phê duyệt quy hoạch sân bay, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt không dính dáng gì tới đô thị xung quanh. Còn quy hoạch đô thị xung quanh sân bay thì coi sân bay như là “vùng trắng” không có tác động gì hết. Điều này đã dẫn đến hệ lụy là kẹt xe, ngập nước ở khu vực Tân Sơn Nhất.

Do đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc TP.HCM muốn làm đô thị sân bay là điều rất tốt và nên làm, bởi đây là xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, việc này sẽ vướng cơ sở pháp lý, bởi đây không phải là câu chuyện của mỗi TP.HCM mà còn phải có sự phối hợp của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và có sự chỉ đạo của Thủ tướng.

“Làm đô thị sân bay nền tảng đầu tiên rất cần thiết là cơ sở pháp lý, đừng quy hoạch sân bay tách rời với quy hoạch đô thị. Nếu như TP.HCM chỉ lo quy hoạch đô thị xung quanh và vẫn không tác động gì tới sân bay nữa vậy thì cái khái niệm đô thị sân bay không thể nào thực hiện được bởi đang quy hoạch tách rời” - KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.

Loại bỏ sân golf, tạo sự kết nối đồng bộ

Theo ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, sân bay Tân Sơn Nhất đã có một tiền lệ không hay là vấn đề sân golf tồn tại trong sân bay trong khi thiếu đất cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu. Do đó, trong bối cảnh thực hiện quy hoạch đô thị sân bay và nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô thì cần phải tính đến chuyện loại bỏ sân golf.

Ngoài ra, những việc trước mắt cần phải làm ngay, đó chính là nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, đảm bảo đúng giờ, phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân. Ngoài ra, để hình thành khái niệm “đô thị sân bay” cần phải có sự liên kết, hạ tầng kết nối, công nghệ thông tin, giao thông thông minh, chống ngập thông minh, tránh tình trạng kẹt xe.

“Sân bay dính liền với logistics, ngoài vận chuyển con người phải vận chuyển hàng hóa. Cần xây dựng kho chứa kho trữ liên thông hàng hóa, có trung tâm điều hành thông minh và kết nối với hệ thống giao thông thông minh, tất cả những cái đó trở thành một tổ hợp nằm trong đô thị thông minh” - ông Trần Quang Thắng nói.

Đô thị sân bay là mô hình đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với TP.HCM việc xây dựng đô thị sân bay mới chỉ là ý tưởng được đặt ra song chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, nếu được hình thành thì đây là nét chấm phá trong phát triển kinh tế xã hội và phát triển đô thị của thành phố trong tương lai./.